“Đậu phụ là chính - Mì chính là phụ”

(Dân trí) - Nếu ngày xưa người lớn kèm trẻ em (một người lớn kèm một trẻ em), hàng chất lượng kèm hàng mốc, hàng ế…. còn giờ đây, nhân viên kèm lãnh đạo (một nhân viên kèm hai cán bộ). Có điều, không biết trong cái “cơ chế” kèm hiện nay, ai là “hàng mốc” nhỉ?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Cứ tưởng chuyện một xã ở Thanh Hóa có tới  500 “đầy tớ” đã “rung động” dư luận xã hội lắm rồi nhưng khi xem danh sách đoàn thể thao Viêt Nam dự Olympic London 2012 thì còn giật mình… đùng đùng bởi có tới 56 người, trong đó chỉ có 18 vận động viên. Có nghĩa là có tới hơn gấp đôi (38 người) số thành viên tham gia với tư cách… “đầy tớ”. Nói như một câu đối nổi tiếng từ thời bao cấp: “Đậu phụ là chính – Mì chính là phụ”.

Theo Trưởng đoàn dự Olympic London, ông Tổng cục phó Tổng cục TDTT thì danh sách đã được cân nhắc rất kỹ, cán bộ Tổng cục đi rất ít, nhiều thành viên đi bằng ngân sách các liên đoàn…  Trên Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục còn than thở: “Kinh tế đất nước đang khó khăn, ngành thể thao cũng đâu có dư dả để tốn kém. Tôi cho rằng nếu bảo ngành thể thao “tiêu hoang” thì dư luận đã có phần khắt khe!”.

Thế nhưng nhà báo Trường Huy (báo Tuổi trẻ) lại đặt câu hỏi: “Liệu đã thật sự không còn “người thừa” hay không?”  và tự trả lời bằng các ví dụ: “… ở đội taekwondo chỉ có hai võ sĩ thi đấu nhưng đi kèm theo đến hai chuyên gia, một HLV và một lãnh đạo đội! Tương tự, đội tuyển judo chỉ có một võ sĩ thì lẽ ra chỉ cần một HLV đi theo là đủ, nhưng cũng có thêm một ông lãnh đạo đội hơi bị thừa. Hay nhân vật của Vụ Tài chính có cần thiết phải đi theo không?...”.

Viết đến đây, mình chợt nhớ ngày còn bé thường được mẹ mình dắt theo ăn cỗ. Thực ra, người ta mời người lớn nhưng cái thủa đói nghèo ấy, các bà mẹ làng mình vốn thương con nên bà nào cũng dắt kèm theo một đứa trẻ, có thể là con, có thể là cháu. Khi ngồi vào mâm, các bà mẹ có trẻ đi kèm thường ý tứ ngồi cạnh nhau để cùng chia sẻ. Ví dụ mâm có 6 người có 6 miếng giò, bao giờ các bà cũng gắp vào 6 cái bát “lũ ăn theo” chúng mình. Còn lại, các bà mẹ thường chỉ nhấm nháp rau cỏ hay xì xụp bát bánh đa, tô miến.

Sau này đến thời bao cấp, trong các cửa hàng mậu dịch cũng thường hay áp dụng phương pháp bán kèm những mặt hàng ế, hàng kém chất lượng. Ví dụ điển hình là bia hơi Hà Nội kèm… lạc mốc chẳng hạn.

Bây giờ, hình như cái “mốt” kèm ấy vẫn còn nhưng đã “chuyển hướng”. Nếu ngày xưa người lớn kèm trẻ em (mà cũng chỉ một người lớn kèm một trẻ em thôi), hàng chất lượng thì kèm hàng mốc, hàng ế…. còn giờ đây thì nhân viên kèm lãnh đạo (ở trường hợp này, một nhân viên kèm hai cán bộ). Có điều, không biết trong cái “cơ chế” kèm hiện nay, ai là “hàng mốc” nhỉ?

Theo các bạn, ai là “hàng ế, hàng mốc”, dư luận có quá khắt khe và quan trọng hơn, trừ những trường hợp thật sự cần thiết thì họ đi theo để làm gì nhỉ?

 

Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!