Dấu chấm hỏi cho cây cầu 70 tỷ đồng đổ ập xuống sông

Hoàng Lam

(Dân trí) - Cây cầu không phải vô cớ có thể tự gãy và hàng chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước không phải là nước sông để mặc cho "tự trôi". Bởi vậy, cần phải có cá nhân hay tổ chức chịu trách nhiệm về sự cố này.

Dấu chấm hỏi cho cây cầu 70 tỷ đồng đổ ập xuống sông - 1

Trưa ngày 21/12, cây cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm thuộc thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) sập xuống, chắn ngang lòng sông.  Dấu hiệu của sự cố bất thường này đã xuất hiện trước đó vào tối ngày 20/12 khi mặt cầu có hiện tượng nứt ngang tại vị trí trụ T7. Khi trụ T7 bị lún sâu đã kéo theo 2 nhịp cầu dài 33 m rơi xuống sông, khiến các nhịp khác cũng bị ảnh hưởng.

Dự án cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm được đánh giá là "một công trình có quy mô lớn và quan trọng ở khu vực". Công trình được đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó giá trị xây lắp cầu gần 35 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Phần cầu chính có chiều dài hơn 286 m, rộng 6,5 m, được thi công xây dựng từ tháng 9/2019.

Đến thời điểm trước khi xảy ra sự cố, công trình cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, chuẩn bị hoàn thiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thành lập tổ điều tra để giám định nguyên nhân sự cố công trình. Sự việc cũng đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Nguyên nhân của sự cố này đang được cơ quan có chuyên môn làm rõ. Tuy nhiên, các bên liên quan đã đưa ra những "giả thiết" gắn với trách nhiệm của mình.

Cụ thể, theo đánh giá của ông Hồ Hoàn Tất -  Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, có thể có 3 vấn đề liên quan, như địa chất, thi công và thiết kế. Trong khi đó, ông Trần Hải Âu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau - Chủ đầu tư dự án thì khẳng định quy trình khảo sát, thi công, thiết kế… đều làm đúng quy định. Năng lực của đơn vị thi công cũng "không có vấn đề gì".

Cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên một cây cầu đang thi công ở Cà Mau "bỗng nhiên" bị gãy đôi trong quá trình thi công. Trước đó, vào năm 2016, cây cầu Ô Rô bắc qua kênh Ô Rô (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cũng đổ ập xuống, chỉ sau gần nửa năm đi vào hoạt động. Nguyên nhân sau đó được xác định là do xây dựng ở tuyến kênh có địa chất rất yếu, dòng nước chảy mạnh đã tác động đến an toàn của cây cầu.

Trở lại với sự cố của cầu Cái Đôi Vàm, độc giả Dân trí đã đưa giả thiết về nguyên nhân địa chất. Nếu "lỗi" do vấn đề địa chất thì các cơ quan chức năng không thể vô can bởi lẽ, trên một khu vực có nền địa chất yếu, việc khảo sát, đánh giá địa chất cần phải được thực hiện kỹ lưỡng. Từ đó cơ quan chuyên môn mới xây dựng phương án thiết kế, thi công phù hợp để đảm bảo sự an toàn lâu dài cho công trình.  

Nếu nguyên nhân do rút ruột công trình hay do có "vấn đề" trong thiết kế, thi công cũng phải làm rõ để "minh oan" cho đất.

Để đánh giá đúng nguyên nhân của vụ sập cầu, cần có sự vào cuộc một cách trách nhiệm và khách quan của cơ quan có chuyên môn. Rõ ràng cây cầu không phải vô cớ có thể tự gãy và xin nhắc lại, hàng chục tỷ đồng của Nhà nước không phải là nước sông để mặc cho "tự trôi". Bởi vậy, cần phải có cá nhân hay tổ chức phải chịu trách nhiệm cho sự cố và những thiệt hại mà nó gây ra.

Dù sao, trong cái rủi cũng có cái may. Nếu cây cầu đã được nghiệm thu trót lọt và đưa vào sử dụng rồi mới xảy ra sự cố thì thiệt hại có thể không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn là tính mạng của người dân.