Đành vớt vát bằng câu an ủi: “Trong cái rủi, có cái may”!
(Dân trí) - Đây là thời điểm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, xin nhắc lại như một bài học cay đắng, xót xa để từ đó đứng lên! Xin đừng để phải đành vớt vát bằng câu an ủi: “Trong cái rủi, có cái may”!
Những năm gần đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc “đốt lò”, rất nhiều vụ án khủng được xét xử công khai, minh bạch. Hàng loạt quan chức từ cao đến rất cao vi phạm pháp luật bị xử lý.
Đây là điều đau xót bởi những vụ việc này không chỉ thiệt hại về vật chất, mất cán bộ mà còn mất niềm tin của nhân dân.
Song, dù cay đắng, đành vớt vát bằng câu an ủi: “Trong cái rủi, có cái may”.Xin xét mấy điển hình mà đầu tiên phải kể đến là vụ Trịnh Xuân Thanh với cái biển xanh “lịch sử”.
Nếu như Trịnh Xuân Thanh không có cái “rủi biển xanh”, giờ đây không biết hắn ta sẽ leo lên đến chức gì? Nếu như không có sự việc cái biển số xe của Thanh, không thể biết rằng Thanh không thuộc diện cán bộ luân chuyển mà chỉ là sự “thỏa thuận” giữa Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang.
Nếu như không có vụ việc của Thanh, không biết rằng việc quản lý cán bộ cấp cao mà cũng lỏng lẻo đến mức một Phó Chủ tịch tỉnh, Tỉnh Ủy viên mà Ban Tổ chức Trung ương không nắm rõ?
Nếu như không có việc của Thanh, sẽ không ai biết có một đơn vị 3 năm liền nhận 3 phần thưởng, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì cùng một danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý, để rồi năm tiếp theo, đổ vỡ tan tác bên bờ phá sản.
Nếu không có vụ việc Trịnh Xuân Thanh, sẽ không ai biết rằng ở Bộ Công thương có những cuộc “thăng tiến kỳ ảo” dù thua lỗ ngàn tỉ của Vũ Đình Duy…
Dẫn chứng tiếp theo là vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La. Thôi thì đành… “cảm ơn” thói “tham ăn” mà như dân gian bảo “ăn dày, ăn cả… tất” của họ.
Bởi nếu như vụ đó họ không quá tham lam nâng điểm cho hàng trăm đối tượng mà chỉ mỗi tỉnh vài ba chục trường hợp thì có thể năm vừa qua và nhiều năm sau nữa, sẽ vẫn có những thủ khoa ảo, những con cháu đại gia, quan chức dốt nát cướp đi cơ hội của những tài năng.
Nếu họ không tham ăn quả lớn thì những bậc phụ huynh can thiệp vào việc nâng khống điểm cho con cháu vẫn dương dương tự đắc rao giảng bài học giáo huấn về đạo đức cũng như niềm tự hào trò giỏi, con ngoan.
Rồi, nếu như không có vụ Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), sao biết được có hẳn thượng tá công an “chui”?Nếu không có vụ đánh bạc online, sao biết được ông Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lại là kẻ cầm đầu?
Và nếu không có những vụ việc này, sao biết được công tác tổ chức của ta lỏng lẻo và chủ quan đến thế? Có một vụ việc cũng rất đáng để đành… “an ủi” là Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Nếu không có vụ việc này, sao ta biết nhà thầu lại có thể tham lam, thâm độc và bầy nhầy đến vậy? Và càng không thể biết, có những dự án biết chắc chắn lỗ nhưng vẫn được triền khai? (Mong rằng vụ việc này sẽ được làm rõ và xử lý kiên quyết như đối với Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa…).
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định không đấu thầu quốc tế Đường cao tốc Bắc – Nam phải chăng là đã rút ra bài học từ vụ việc này?
Người viết bài này chợt lan man nhớ lại vụ vết đại bác ở cổng thành Hoàng Diệu. Khi Thực dân Pháp tiến đánh thành Thăng Long, họ đã nã vào Cửa Bắc mấy viên đại bác to như tiếng sấm, uy hiếp quan quân. Thành Hoàng Diệu thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết…
Sau này một số người muốn lấp vết đại bác đó lại nhằm quên đi thì ngược lại, nhiều người phản đối vì để đó cho thấm nỗi đau mất nước mà quyết tâm giành độc lập.
Đây là thời điểm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, xin nhắc lại như một bài học cay đắng, xót xa để từ đó đứng lên!
Xin đừng để phải đành vớt vát bằng câu an ủi: “Trong cái rủi, có cái may”!
Bùi Hoàng Tám