“Đấm” tham nhũng xong, phải lấy lại tiền cho dân nữa!

(Dân trí) - Trên thực tế, phá được án tham nhũng quá ít, thu được tiền tham nhũng còn ít hơn. Cho nên, sự lên tiếng của cử tri về việc thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương là một điều rất cần được chú trọng để có biện pháp thực hiện hiệu quả.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Một kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6.2013), được chuyển tới Chính phủ, đến nay chưa có phản hồi.

Đó là: Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý mạnh hơn, kịp thời và công bằng, có kế hoạch giám sát các ngành chức năng kiểm điểm về góc độ quản lý nhà nước và kiên quyết thu hồi số tiền tham nhũng để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức, đồng thời công khai để nhân dân biết.

Số tiền cần để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức (1.350.000 đồng/mức lương tối thiểu) chỉ có 65 nghìn tỷ đồng, trong khi đó tập đoàn kinh tế tham nhũng lên đến 95 nghìn tỷ đồng.

Thực ra, số tiền tham nhũng chưa thể thống kê hết được, nhưng chỉ riêng với những vụ đã phát hiện, xử lý thì mới có con số là bao nhiêu. Ngay cả với các vụ này, nếu thu hồi lại đủ tiền tham nhũng, tăng lương được theo lộ trình là có cơ sở.

Không chỉ đủ tiền để tăng lương theo cam kết, mà còn xây dựng được vài chục cái bệnh viện cho dân mình bớt khổ, cho ngành y tế bớt bị áp lực quá tải bệnh viện.

Không chỉ đủ tiền để tăng lương theo lời hứa mà còn xây dựng được vài trăm trường học cho những vùng nông thôn nghèo, trẻ em còn phải học ở những ngôi trường tranh tre nứa lá.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 2.12, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh thông báo trong tháng 12 sẽ đưa các vụ đại án tham nhũng ra xét xử, trong đó có vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên. Và ông Thanh cho rằng, đây là “cú đấm mở màn” cho cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go và thách thức.

Tham nhũng nhiều, nhưng bây giờ mới “đấm mở màn” bằng hai vụ án ghê gớm, gây bức xúc trong dư luận. Đấm làm sao cho trúng, dù đối thủ là ai cũng phải đấm đúng luật, không xử theo áp lực dư luận hay tạo “thuốc an thần” cho dân chúng vì quá bức xúc trước nạn tham nhũng. Hạ đo ván tham nhũng nhưng phải công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Và đặc biệt là phải thu hồi được đồng tiền tham nhũng trả lại cho dân như ước nguyện của cử tri.

Nhưng thu tiền tham nhũng bằng cách nào cho đủ theo con số mà các cơ quan tố tụng kết luận không phải chuyện dễ dàng. Bởi vì, tiền tham nhũng đã được ăn chơi xa hoa, vợ lớn vợ nhỏ, em út chân dài chân ngắn, tiền tham nhũng được chuyển qua nhiều thứ tài sản, cổ phân cổ phiếu cho vợ con, cháu chắt, bồ bịch đứng tên, không dễ gì thu được.

Kẻ phạm tội tham nhũng chịu tuyên phạt mức án cao, không còn cơ hội trở về với gia đình hay mức án tử hình thì chẳng còn gì để mất, đành “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỉ lệ rất thấp. Trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng mới chỉ thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỉ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi.

Trên thực tế, phá được án tham nhũng quá ít, thu được tiền tham nhũng còn ít hơn. Cho nên, sự lên tiếng của cử tri về việc thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương là một điều rất cần được chú trọng để có biện pháp thực hiện hiệu quả.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!