Đề nghị thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương tối thiểu

(Dân trí) - “Số tiền cần để tăng lương tối thiểu là 65.000 tỷ đồng, trong khi đó tập đoàn kinh tế tham nhũng lên đến 95.000 tỷ đồng. Đề nghị kiên quyết thu hồi số tiền tham nhũng để tăng lương theo đúng lộ trình” - cử tri kiến nghị Chính phủ.

Hơn 70 trong số hàng ngàn kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) được chuyển tới Chính phủ, trong đó có nhiều cử tri tiếp tục đặt quan tâm vào công tác phòng chống tham nhũng. Văn bản trả lời của Chính phủ sau đó đã được gửi để tập hợp, báo cáo cử tri.

Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, có báo cáo cụ thể thông qua phiên họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp cho cử tri biết kết quả thực hiện nhiệm vụ này. Cử tri cũng yêu cầu sớm công bố kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng đã được phát hiện để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Văn bản trả lời của Chính phủ khái quát, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Tại các phiên họp hàng tháng, Chính phủ đều nghe báo cáo và có chỉ đạo về công tác PCTN; nhiều trường hợp Chính phủ đã có văn bản phê bình, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương do chưa thực hiện tốt công tác PCTN. Hàng năm Chính phủ đều có báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác PCTN.

Cơ quan trả lời cũng dẫn cụ thể quy định tại Điều 37 Nghị định số 59 năm 2013 của Chính phủ ghi rõ nội dung, báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ được Thủ tướng công khai chậm nhất vào ngày làm việc cuối cùng của tháng tư hàng năm.

Về án tham nhũng, Chính phủ nhận định, trong những năm qua, tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp xảy ra ở hầu hết các địa phương và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận và được cử tri cả nước quan tâm. Từ tháng 10/2012 đến tháng 7/2013, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 253 vụ án tham nhũng (tăng 12,44%), 542 bị can (tăng 20,44%) so với cùng kỳ năm trước.

Để thông tin kịp thời kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng trọng điểm, được dư luận quan tâm; trong quá trình điều tra hoặc sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra đã có thông báo đến các cơ quan, tổ chức, công dân hoặc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. “Việc cử tri quan tâm đến kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng là rất chính đáng, qua đó sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân, giúp cho lực lượng Công an thực hiện tốt hơn trong công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng” – văn bản trả lời thể hiện.
 
Đề nghị thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương tối thiểu
Theo lộ trình, đáng ra năm nay, lương tối thiểu tăng đạt mức 1.350.000 đồng nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, mức tăng lương chỉ đạt 1.150.000 đồng.

Cử tri tỉnh An Giang bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng các tập đoàn kinh tế lớn làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản, một số cán bộ tiêu cực, tham nhũng làm thất thoát tiền của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng… Cử tri đặt câu hỏi, Đảng và Nhà nước xử lý ra sao về việc này, trách nhiệm lãnh đạo bộ chủ quản như thế nào?

Kiến nghị cũng dẫn nhiều con số so sánh, theo luật người dân chỉ vi phạm 2 triệu đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số tiền cần để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức (1.350.000 đồng/mức lương tối thiểu) chỉ có 65 nghìn tỷ đồng, trong khi đó tập đoàn kinh tế tham nhũng lên đến 95 nghìn tỷ đồng…

Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý mạnh hơn, kịp thời và công bằng, có kế hoạch giám sát các ngành chức năng kiểm điểm về góc độ quản lý nhà nước và kiên quyết thu hồi số tiền tham nhũng để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức, đồng thời công khai để nhân dân biết.

Câu trả lời cho kiến nghị này gói trong một dòng: “Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan giải quyết kiến nghị”.

Cũng liên quan đến bức xúc về công tác điều hành, quản lý hoạt động của các tập đoàn kinh tế, cử tri Hải Phòng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm của những người đứng đầu, những người chịu trách nhiệm điều hành đối với các đơn vị, tập đoàn kinh tế của nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.

Công văn trả lời của Chính phủ đặt vấn đề, Ban Chấp hành TƯ Đảng đã đánh giá về những yếu kém của DNNN hiện nay. Đó là, việc sắp xếp và cổ phần hóa DNNN còn chậm, chưa chặt chẽ, trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị DN còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa đủ rõ, thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài kém hiệu quả. Một số DN vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước. Mô hình tổ chức đảng trong DNNN chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn hạn chế.

Nguyên nhân của những yếu kém nêu trên là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với DNNN, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm và có nhiều thiếu sót. Nhiều cán bộ quản lý DN năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật. Tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng trong DNNN chậm đổi mới, kém hiệu quả.

Về trách nhiệm của mình, Chính phủ đã ban hành nghị định số 66 năm 2011 quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, là cơ sở pháp lý để xử lý đối với người đứng đầu, những người chịu trách nhiệm điều hành đối với các đơn vị, tập đoàn kinh tế của nhà nước khi để xảy ra sai phạm.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm và xử lý kỷ luật về trách nhiệm đối với một số người đứng đầu các đơn vị, tập đoàn kinh tế của Nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, một số trường hợp đã bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang được giao chủ trì và tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật và tiêu chí đánh giá nhiều chức danh chủ chốt của DNNN. Trong nội dung của các văn bản này, sẽ có một số nội dung quy định chế tài cụ thể để xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, tập đoàn kinh tế trong quá trình điều hành hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế.

Cử tri An Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sóc Trăng kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ vấn đề sử dụng tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, việc thanh toán nợ, xử lý các vụ việc gây thất thoát và tái cấu trúc đối với các tập đoàn, tổng công ty nhằm ngăn chặn, xử lý những sai phạm để khắc phục có hiệu quả tình trạng thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

Với kiến nghị này, UB Kinh tế của Quốc hội hồi âm, năm 2014 Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Trong chuyên đề giám sát này cũng sẽ đề cập đến vấn đề doanh nghiệp nhà nước và phần đầu tư từ các doanh nghiệp.

P.Thảo