Đại biểu và cử tri kỳ vọng điều gì ở tân Thủ tướng?

(Dân trí) - “Tôi được biết người đứng đầu Chính phủ mới là một đồng chí đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, phòng chống tham nhũng. Vì thế, chắc chắn ông sẽ làm tốt hơn trong việc chống tham nhũng, chống tội phạm”. ĐB Lê Như Tiến.


(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ tuyên thệ)

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ tuyên thệ)

Những ngày qua, cả nước diễn ra một sự kiện trọng đại. Đó là Quốc hội đã hoàn thiện cơ bản việc bầu ra những chức danh cao cấp nhất của bộ máy Nhà nước. Các vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều đã nhận được sự tín nhiệm rất cao. Điều này, thể hiện niềm tin của cử tri cả nước thông qua các đại biểu là những người đại diện cho mình.

Cùng với niềm tin tưởng, nhân dân đang chờ đợi điều gì nhất ở các vị lãnh đạo cao cấp Nhà nước? Nhiều, rất nhiều. Song, có lẽ một trong những điều mà người dân chờ đợi nhất, đó là công cuộc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là với người đứng đầu Chính phủ - Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trao đổi với báo Dân trí bên hành lang Quốc hội, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) bày tỏ: “Vấn đề rất quan trọng, được cử tri đặt nhiều kỳ vọng là phải phòng chống tham nhũng bằng các giải pháp quyết liệt”.

ĐB Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tới của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng là phòng chống tham nhũng.

Ông Thụ nói: “Tôi hy vọng Chính phủ mới, đứng đầu là một Thủ tướng mới sẽ có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lấy lại lòng tin của người dân, làm trong sạch môi trường kinh tế xã hội, môi trường quản lý nhà nước”.

Đại biểu Lê Nam – Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh hai vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, mong Chính phủ mới và Thủ tướng tập trung giải quyết là chống “giặc nội xâm” và “giặc ngoại xâm”.

“Sắp tới, tân Thủ tướng phải làm thế nào để tạo chuyển biến và có được kết quả cụ thể trong hai vấn đề đó vì xét cho cùng, đó là vấn đề cấp bách, mang tính lịch sử và cũng chính là những điều mong mỏi, khát vọng của nhân dân, cử tri cả nước” – ĐB Lê Nam nói.

Những ý kiến trên hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ngay trong khi tuyên thệ, phát biểu tại nghị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ “nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Ít phút sau, trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục bày tỏ ông đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm mà một trong 6 nhiệm vụ đó là “quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

6 nhiệm vụ đó là:

Một là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hai là tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Ba là tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hệ thống hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội. Bốn là quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Năm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Sáu là chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh an toàn cho người dân. Trước mắt tập trung ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc chống tham nhũng đã nhiều lần được ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới. Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sáng 24/12/2015 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: “Tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính, đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn thể chế, các giá trị đạo đức”.

Mới đây, ngày 15/3/2016, trong cuộc họp 10 năm phòng chống tham nhũng tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Hoàn thiện thể chế để làm sao không tạo “kẽ hở” cho tham nhũng”.

Vì thế, người dân hoàn toàn có thể hi vọng tân Thủ tướng sẽ quyết liệt chống tham nhũng và sẽ đạt được những kết quả cao như sự “gửi gắm” của ĐB Lê Như Tiến: “Tôi được biết người đứng đầu Chính phủ mới là một đồng chí đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, phòng chống tham nhũng. Vì thế, chắc chắn ông sẽ làm tốt hơn trong việc chống tham nhũng, chống tội phạm”.

Quyết liệt chống tham nhũng và đạt hiệu quả cao, đó cũng là thông điệp người dân mong muốn gửi tới tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bùi Hoàng Tám