Đại biểu Quốc hội và tư thế "nhằm thẳng quân thù mà bắn"

(Dân trí) - Đó là cách so sánh của ĐB Quốc hội Lê Văn Cuông khi ông trả lời phỏng vấn báo Infonet trong bài "Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!".


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Cuông nói nguyên văn: “Trước đây có trường hợp Nguyễn Viết Xuân đứng trước quân thù vẫn vẫy cờ "nhằm thẳng quân thù mà bắn". Thế nên bây giờ, một Đại biểu Quốc hội sợ mất quyền lợi hay thế này thế kia mà không dám nói lên thì không xứng đáng là đại biểu Quốc hội.

Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm sao làm ĐBQH được, làm sao đại diện cho dân được. Đại diện cho dân là anh sẵn sàng vì quyền lợi của đất nước, vì nhân dân chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân”.

Có thể nói đây là những lời đầy tâm huyết của một vị nghị sĩ đã trải qua gần hết 2 nhiệm kỳ Quốc hội.

Là đại biểu Quốc hội trước hết là vinh dự to lớn, một niềm tự hào và cả quyền lợi đối với mỗi cá nhân. Thế nhưng không có niềm vinh dự, sự tự hào và quyền lợi nào lại không đí kèm với trách nhiệm.

Vinh dự, tự hào, quyền lợi càng cao thì tất nhiên, trách nhiệm càng phải lớn.

Đối với đại biểu Quốc hội, trách nhiệm không chỉ với hôm nay mà còn với non sông, đất nước mai sau. Một quyết định đúng sẽ vực dậy cả một quốc gia và ngược lại, một quyết định sai có thể đẩy cả đất nước đến suy vong.

Trong khi nhiều và rất nhiều đại biểu những nhiệm kỳ qua đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì vẫn vẫn theo lời của Đại biểu Cuông, có những đại biểu “tranh thủ tận dụng những năm tháng làm ĐBQH như thế nào cho hài hòa chứ không mang bầu nhiệt huyết vì dân, vì nước nữa. Nhiều đại biểu Quốc hội người ta hoạt động mang tính chất tính toán có lợi cho cá nhân”, ông Cuông nói.

Thật đau xót khi có những đại biểu lại làm “như thế nào cho hài hòa chứ không mang bầu nhiệt huyết vì dân, vì nước” và càng xót xa hơn, khi có “nhiều đại biểu Quốc hội người ta hoạt động mang tính chất tính toán có lợi cho cá nhân”.

Khi đã tính toán cho lợi ích cá nhân, đã không vì nước, vì dân thì tất yếu, họ sẵn sàng hi sinh lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc cho lợi ích cá nhân của mình.

Đại biểu Cuông còn cho biết tình trạng không ít đại biểu không phát biểu chất vấn là bởi: “Bây giờ nhiều khi người ta "vận động hành lang" hay “đi đêm”, hay gặp gỡ các Bộ trưởng bên ngoài giải quyết theo kiểu “lợi ích” chứ rất ít đại biểu nói trực diện, nói thẳng trên diễn đàn”…

Có thể nói, những điều Đại biểu Lê Văn Cuông nói là rất đáng lo ngại và càng tiếc thay, khó có thể nghi ngờ những điều ĐB Cuông phát ngôn bởi ông là “người trong cuộc”, giàu trách nhiệm và đã gần 10 năm gắn bó chốn nghị trường.

Cũng chính vì trách nhiệm và sự gắn bó đó, Đại biểu Cuông đề xuất cần “có thiết chế bầu cử chuẩn xác, giới thiệu được những con người thật sự vì nước, vì dân và phải có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ để đứng vào đội ngũ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của đất nước. Còn bây giờ theo kiểu Đảng cử dân bầu và cách thức như lâu nay thì bầu theo kiểu này sẽ trở thành mảnh đất, cơ hội chạy chọt”.

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, một đất nước muốn phát triển vững mạnh thì tất yếu phải có một Quốc hội trong sạch và vững mạnh mà ở đó, mỗi đại biểu cần phải có tinh thần của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, nhằm “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, nhất là với “giặc nội xâm” mang tên tiêu cực, tham nhũng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám