Cuộc hôn nhân “trắc trở” của đôi tình nhân đại lão

(Dân trí) - Chuyện hai cụ già 91 tuổi đưa nhau đến nhà thờ làm lễ kết hôn đã gây xôn xao trong dư luận. Mỗi người nói một kiểu. Người thì dè bỉu, già rồi sống cho trót đời nhưng không ít ý kiến cảm thông với các cụ...

 
Cuộc hôn nhân “trắc trở” của đôi tình nhân đại lão
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là cụ bà Bùi Thị Vinh và cụ ông Hà Văn Tới cùng ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Cả hai cụ đều giữa đường đứt gánh, người chết chồng, người mất vợ và ở một mình  rất buồn. Cụ Vinh tâm sự nhiều đêm giật mình thức giấc, cụ thường khóc vì quá cô đơn. Có lần cụ bị cảm, một thân một mình không có ai bên cạnh, cụ chỉ lo mình chết không ai biết nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ buồn vui những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy, khi gặp cụ Tới, người cùng tuổi, cùng cảnh ngộ nên dù tuổi cao, các cụ cũng quyết định tiến tới hôn nhân.  
Trước khi đi đăng ký kết hôn, các cụ đến nhà thờ để làm phép thì bị con cháu cả hai cụ ngăn lại. Không đồng ý, hai cụ tiếp tục đến nhà thờ khác để làm lễ nhưng con cháu các cụ vẫn ngăn cản. Lý do các con cụ Vinh đưa ra là cụ đã lú lẫn nhưng cụ Vinh khẳng định mình vẫn còn rất minh mẫn, nhớ vanh vách mọi chuyện và ăn uống, sinh hoạt bình thường. Lý do con cháu cụ Tới phản đối là do sợ hàng xóm dị nghị, chê cười, dè bỉu…
 
Mình đọc cái tin này mà không khỏi xót xa cho hai cụ. Trên đời này điều đáng sợ nhất là sự cô đơn. Mình đọc ở đâu đó câu chuyện kể rằng có một bộ tộc khi xử án nếu ai bị 100% dân làng đồng ý xử tử thì sẽ bị tha bổng. Lý do là hãy trừng phạt kẻ đó sống trong sự cô đơn, xa lánh của cộng đồng. Điều đó đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.
 
Cô đơn là một trong ba nỗi khổ lớn nhất của kiếp người: Con hư, bệnh tật và cô đơn. Người già càng sợ cô đơn. Cái cảm giác bị bỏ quên là nỗi khiếp sợ của không ít người lớn tuổi.
 
Người Triều Tiên có một bài thơ cổ rất hay do nhà thơ Thái Bá Tân dịch: “Trong vườn hoa trắng muôn màu, bướm trắng – Bao giờ cũng bay từng đôi – Bên bờ sông thùy dương im lặng – Bao giờ cũng đứng từng đôi – Trên đời này trừ tôi ra, tất cả - Bao giờ cũng sống từng đôi”. Cách đây gần 30 năm, khi đến Sầm Sơn, trước hòn Trống Mái, mình cũng viết 4 câu: “Đứng trước hòn Trống Mái – Chợt thấy mình lẻ loi – Ngỡ vô trì như đá – Còn tìm về lứa đôi”. Con bướm trắng, rặng thùy dương và cả hòn Trống Mái vô tri cũng sống từng đôi thì lẽ nào con người lại đơn lẻ…
 
Trở lại với chuyện tình trắc trở của hai đại lão ở Beesn Tre, mình xót xa cho hai cụ. Nếu xét về mặt pháp lý, các cụ hoàn toàn có quyền này bởi cả hai đều độc thân, minh mẫn và Luật hôn nhân gia đình không qui định độ tuổi tối đa của người đăng ký kết hôn. Còn xét về tình, người xưa có câu “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Xin hãy để cho hai tâm hồn già nua nương tựa vào nhau những năm cuối cùng của cuộc đời. Sao lại nỡ dị nghị, dè bỉu các cụ? Nói thật, nếu một trong hai cụ là ông bà hoặc bố hoặc mẹ mình, mình sẽ đứng ra lo liệu hôn nhân cho các cụ. Còn giả sử là bạn, bạn sẽ làm như thế nào?   Bùi
 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

 

Cám ơn các bạn!