Cuộc chiến “trả lại vỉa hè cho 13 triệu dân”, ngẫm về những công bộc

(Dân trí) - “Người dân đang kỳ vọng vào chính quyền, mà mình cứ đủng đỉnh sao xã hội phát triển được”. Khi mà đến những chuyện “nhỏ như cái móng tay”, từ quán cà phê Xin chào đến thanh lý xe công đều đến tay Thủ tướng, người ta tự hỏi, các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sở, ngành họ đang ở đâu?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thế nên, hình ảnh một người lãnh đạo xông pha, quyết đoán và tận tụy như ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện, thực sự mang rất nhiều ý nghĩa.

Hình ảnh TP. HCM trong những ngày gần đây gây ấn tượng mạnh với những vỉa hè rộng rãi và thông thoáng. Ngay cả một số địa điểm được phép kinh doanh, xe máy của khách hàng cũng được xếp chéo theo dãy ngay ngắn trong lằn vạch kẻ, bảo vệ trông giữ xe ở đây kháo nhau rằng, chỉ cần bánh xe vượt quá vạch phân cách sẽ bị xử phạt rất nghiêm.

Điều này có lẽ khó tưởng tượng nổi khi chỉ cách đây vài tháng, từng mét vuông vỉa hè ở thành phố sầm uất này bị xà xẻo, tận dụng không còn chỗ trống để phục vụ cho việc kinh doanh, sinh hoạt. Người đi bộ mang tiếng là có vỉa hè để đi nhưng vẫn phải xuống lòng đường, chấp nhận rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Công này không thể không nhắc đến ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1, người khởi xướng “chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, một sự kiện mà nay đã đi vào từ điển cộng đồng Wikipedia. Ông Hải tuyên bố rất rõ ràng rằng, “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu 'đánh trống bỏ dùi' như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực Quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”.

Thú thực, cũng như nhiều người khác, khi nghe một quan chức phát biểu như vậy trên hàng loạt title báo, dù ấn tượng thật đấy, nhưng tôi không thể không hoài nghi xen lẫn tò mò: Liệu rồi cái gọi là “chiến dịch” này sẽ kéo dài bao lâu? Hiệu quả như thế nào, rồi có phải “đâu lại vào đấy” hay không?! Thậm chí, có người độc miệng còn mỉa mai ông này chỉ “chơi trội”, “làm nổi”, chủ nghĩa yêng hùng

Nhưng tôi đã phải suy nghĩ lại. Thực sự phải thay đổi cách nhìn về ông Hải. Sau 2 tháng ông ra quân, cho đến tận hôm nay, tin tức dẹp vỉa hè vẫn không hề hết “nóng”. Người ta vẫn thấy ông Hải đích thân đi cùng các đoàn công tác đi đến tận từng nơi, sẵn sàng đối chất với người vi phạm, chiểu theo luật mà làm, bất kể là có “động” đến ai.

Trụ sở cơ quan công quyền – to lắm chứ! Nhà hàng hạng sang, khách sạn 5 sao – ghê lắm chứ! Rồi hàng ngàn, hàng vạn hộ kinh doanh khác đang bám vào vỉa hè - từng tấc đất, từng cm đất họ “lấn chiếm” được trong bao nhiêu năm qua đều là đất biết đẻ ra tiền, đụng đến lợi ích của số đông, quả thực không phải là bài toán mà ai cũng có thể đủ bản lĩnh, lập trường để giải đến cùng. Chưa kể, đằng sau họ là những thế lực ngầm, chính quyền có, xã hội đen có vốn đã “nhận” cho họ. Nghĩ đến cũng đủ rùng mình!

“Khách sạn 3 sao, 5 sao gì cũng như nhau hết, phải xử lý công bằng, trả lại vỉa hè cho 13 triệu người dân thành phố”, tuyên bố này của ông Hải đưa ra ngày 21/3 khi ông lệnh đập bỏ 11 bậc thềm xây dựng lấn ra vỉa hè của khách sạn New World. Quan điểm được vị Phó Chủ tịch Quận 1 nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần đó là “không có vùng cấm trong việc xử lý các công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè”, “không có cơ quan nào được đứng trên pháp luật, tất cả đều thượng tôn pháp luật”.

Hóa ra, động lực để ông Đoàn Ngọc Hải vượt qua những áp lực, thậm chí nguy hiểm rình rập trong suốt 2 tháng qua chỉ gói gọn trong một lý lẽ vô cùng đơn giản: “trả lại vỉa hè cho 13 triệu người dân thành phố”.

Có thể, trong quá trình thực hiện, đâu đó sẽ vẫn còn điều này điều nọ gây tranh cãi, nhưng chỉ với một động cơ, một mục tiêu duy nhất là “vì dân” mà “đội quân” của ông Hải đang làm đáng để bất cứ công dân nào cũng phải cảm phục, và để những vị lãnh đạo khác suy ngẫm.

Hà Nội, Huế và nhiều địa phương khác cũng đã có những chiến dịch đòi lại vỉa hè của riêng mình, với những lý lẽ, những cách làm riêng. Như ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố nói, sẽ “không rầm rộ, mà cần làm bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người tâm phục khẩu phục”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, tại nhiều tuyến phố kinh doanh vỉa hè như Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tái diễn khi không có bóng dáng lực lượng chức năng.

Điều này một phần lớn do sự thiếu ý thức tuân thủ của người dân, nhưng rõ ràng, nếu không xử lý tận gốc vấn đề như ông Chung từng nói, 180 quán bia vỉa hè thì hơn 150 quán có công an đứng sau, hay nói cách khác, vẫn còn tình trạng bảo kê, châm chước, làm lấy lệ của các đơn vị thực thi cấp cơ sở thì tình trạng “nhờn luật” vẫn còn khó xử lý.

Xin trích lại câu nói – vẫn là của ông Đoàn Ngọc Hải: “Người dân đang kỳ vọng vào chính quyền, mà mình cứ đủng đỉnh sao xã hội phát triển được”. Khi mà đến những chuyện “nhỏ như cái móng tay”, từ quán cà phê Xin chào đến thanh lý xe công đều đến tay Thủ tướng, người ta tự hỏi, các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sở, ngành họ đang ở đâu?

Trong bối cảnh đó, hình ảnh một người lãnh đạo xông pha, quyết đoán và tận tụy như ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện, đã thắp lên rất nhiều niềm tin trong người dân. Chỉ mong sao, ngọn lửa của ông Hải không là ngọn nến cô độc mà sẽ lan tỏa nhiệt huyết đến những người công bộc khác – những người đang ăn lương nhà nước, hưởng bổng lộc của nhân dân.

Bích Diệp