Cuộc chiến “miếng bánh vỉa hè” thơm, ngon, bổ rẻ…!
(Dân trí) - Chỉ mong sao nó vào “túi” ngân sách chứ nếu nó lại vào túi ai đó thì tăng làm gì nhỉ? Mà nếu như còn cái con số 150/180 cái quán bia có người “chống lưng” nữa thì người dân không chỉ “không được hưởng gì” mà còn bị móc túi một cách… quyết liệt.
Phải nói rằng một trong những “đặc sản” của Việt Nam là “văn hóa vỉa hè”. Không biết từ bao giờ, cái vỉa hè vốn mang sứ mệnh là “lãnh địa” của người đi bộ bị biến thành nơi sinh hoạt và mưu sinh của không ít người để rồi từ đó, nó mang trên mình một lối sống, một nếp nghĩ rất “vỉa hè”.
Không chỉ là mảnh đất để một số người sinh nhai, vỉa hè còn là nơi tiếp nhận thông tin và bày tỏ quan điểm. Cái gọi là “thông tấn xã vỉa hè” ấy nhiều khi biết trước cả những điều bí mật như lời ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội từng than thở: “Tại sao tất cả những chuyện cơ mật mà các đồng chí thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè đều biết?”.
Cách đây ít lâu, tại TP HCM, ông Phó Chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ với tuyên bố rất hùng hồn là nếu không làm được điều này thi sẽ xin từ chức. Xem ra, cái công cuộc này ở TP HCM hiện vẫn chưa ngã ngũ và cũng chưa thấy ông Hải từ chức.
Xem ra, chuyện vỉa hè lại thêm sôi động khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lên tiếng: “Việc lát lại vỉa hè trong một số năm qua, đặc biệt là năm 2016 và thời gian gần đây đã để lại dư luận rất xấu trong con mắt cử tri và các nhà quản lý. Một số dự án làm ồ át vào cuối năm với chất lượng rất thấp”.
Mới đây nhất, câu chuyện cái vỉa hè lại sôi động khi UBND TP Hà Nội trình HĐND TP về việc sửa đổi, bổ sung quy định thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.
Các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố từ Vành đai 1 đến đô thị lõi (250%); từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành. Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iPaking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.
Ngay lập tức, đề xuất đã làm nóng phiên họp HĐND TP. Nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến khá quyết liệt.
ĐB Hoàng Huy Được (đoàn Ba Vì) sau khi nhắc lại con số thống kê trước đây Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra là 180 quán bia vỉa hè, hơn 150 quán có công an đứng sau , ĐB Được băn khoăn không rõ mức phí thuê vỉa hè, giá trông giữ phương tiện tăng lên như vậy sẽ gây ra hệ lụy gì và ai sẽ là người hưởng thụ. Đặc biệt là thành phố được hưởng bao nhiêu tiền từ việc tăng phí như vậy.
“Trong những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về việc nâng cấp vỉa hè. Chưa nói đến câu chuyện nâng cấp thế nào, đá ra làm sao, điều quan trọng nhất là thành phố đã chi ngân sách để nâng cấp vỉa hè. Vậy việc thu phí để tái đầu tư là cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao minh bạch. Nên chăng đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để tránh việc nghi ngờ”. Ông Được kiến nghị.
Còn ĐB Nguyễn Hoài Nam thì đặt câu hỏi: “Ai hưởng lợi từ việc thu quá giá như vậy? Chỉ có người hoạt động trái phép hưởng lợi, còn người dân không được hưởng gì”. ĐB Nam nói.
Ừ nhỉ? Tăng phí vỉa hè, chắc chắn là những ai sử dụng vỉa hè phải trả và tất nhiên, nó sẽ được cộng vào giá thành và cũng tất nhiên, lại đổ vào người dân có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.
Thế thì ngân sách Thành phố sẽ tăng được bao nhiêu, ai sẽ được hưởng lợi nhỉ? Chịu!
Thôi thì chỉ mong sao nó vào “túi” ngân sách chứ nó lại “người hoạt động trái phép được lợi, người dân không được hưởng gì” thì tăng làm gì nhỉ?
Mà nếu như còn cái con số 150/180 cái quán bia có người “chống lưng” nữa thì người dân không chỉ “không được hưởng gì” mà còn bị móc túi một cách… quyết liệt.
Xem ra, lời giải cho cái “miếng bánh vỉa hè” vốn thơm, ngon, bổ, rê sẽ tiếp tục là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Bùi Hoàng Tám