Công khai, minh bạch thanh lý xe công, không thể coi là chuyện "vớ vẩn"
(Dân trí) - Tuần trước, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về cơ sở nào để xác định giá đấu giá để thanh lý xe công chỉ trung bình 46 triệu đồng/chiếc, một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Tài chính gắt lên rằng: "Cái quan trọng thì lại không quan tâm, lại quan tâm giá xe. Vớ vẩn".
Nhưng quanh câu chuyện xe công, còn gì đáng quan tâm hơn tính công khai, minh bạch mà lại coi chuyện đó là "vớ vẩn".
Có lẽ quan chức trên đã không biết rằng, khi thông tin về những chiếc xe công được đấu giá chỉ có mức giá thanh lý trung bình là 46 triệu đồng/chiếc như chính Bộ này công bố, trên báo Dân trí, đã có trên 500 bình luận (comment) của độc giả bày tỏ thái độ ngạc nhiên, bất bình. Vì đây thực sự là một thông tin rất mới.
Trước nay, ai cũng tưởng những chiếc xe công tiền tỉ cho các quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên, rồi các xe phục vụ công tác chung cũng không ít tiền, khi thanh lý cũng phải vài trăm triệu đồng/chiếc. Nên rất dễ hiểu có nhiều người bình luận: "Sao rẻ quá vậy, nếu có, tôi xin được mua 10 chiếc", "đấu giá ở đâu, sao có thể bán với giá đồng nát như vậy?"...
Chính vì quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự quan tâm như vậy, ngày 13/3, Bộ Tài chính đã phải ra một thông cáo báo chí nói rõ hơn việc này. Cụ thể, Bộ này cho biết, giá thanh lý trung bình một xe công là 46,2 triệu đồng mới chỉ là "thông tin ban đầu". Theo số liệu Bộ Tài chính cập nhật từ 1/1/2016 đến 6/3/2017, có 761 xe ô tô mà các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo thanh lý với tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng.
Trong số đó, có 90 xe đã thanh lý mà chưa có thông tin báo cáo về số tiền thu được về Bộ Tài chính, 17 xe thanh lý không thu được tiền (vì phá dỡ, chuyển sang làm mô hình học cụ, thiết bị dạy nghề). Đáng chú ý có 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (sử dụng từ năm 1996 trở về trước) với tổng số tiền thu được chỉ trên 5,45 tỷ đồng, tức là trung bình còn chưa tới 30 triệu đồng/xe.
Như vậy, Bộ Tài chính cũng không phải không có lý khi nói rằng con số giá bán thanh lý 46,2 triệu đồng/xe cho 1 chiếc xe công mới là thông tin ban đầu và điều này được hiểu là số tiền thực tế có thể nhiều hơn. Nhưng với những thông tin bước đầu đó, cũng là thống kê trong hơn 1 năm với 761 chiếc thì có thể nói, nếu tổng hợp đầy đù hơn thì số tiền thực tế bán đấu giá trung bình cho 1 chiếc xe công cũng không lớn.
Dù trong số xe thanh lý, như Bộ Tài chính đã báo cáo, có những xe cũ nát, hư hỏng không thể đi và chỉ có thể tháo dỡ, làm mô hình nhưng không thể phủ nhận thực tế còn nhiều xe chất lượng vẫn rất tốt. Nhưng vấn đề là khi các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thanh lý xe công, họ đấu giá thế nào, thanh lý ở đâu thì chẳng mấy ai được biết Và ở nhiều nơi, rõ ràng còn chưa công khai, minh bạch nên người dân không nắm được thông tin để tham gia đấu giá, mua bán những chiếc xe "biển xanh" từ cơ quan nhà nước.
Bộ Tài chính gần đây đã tiên phong trong việc áp dụng chính sách khoán xe công cho Thứ trưởng của Bộ và tuần trước cũng mới đưa ra dự thảo chính sách khoán xe công mở rộng cho lãnh đạo cấp tỉnh: Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây là những việc làm đáng hoan nghênh.
Nhưng với những gì Bộ Tài chính mới công bố về việc bán, đấu giá xe công như vậy, cũng mới hé lộ phần nào thông tin về quản lý, sử dụng, bán đấu giá xe công. Người dân chờ đợi Bộ Tài chính- cơ quan đầu mối về quản lý công sản sẽ công khai, minh bạch hơn nữa về việc quản lý, mua sắm, sử dụng xe công, đấu giá xe công và không thể coi đó như là chuyện "vớ vẩn" như một vị cán bộ của Bộ này trả lời Dân trí.
Mạnh Quân