Công an xã lấy lời khai phải có người dân chứng kiến

(Dân trí) - Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định, công an phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

Công an xã lấy lời khai phải có người dân chứng kiến - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong các nhiệm vụ trên, có một nhiệm vụ quan trọng mà công an xã thực hiện, đó là “lấy lời khai ban đầu”. Cho nên, Phó Viện trưởng Viện kểm sát tối cao Nguyễn Hải Phong cảnh báo, nếu cho phép công an xã phường được lấy lời khai ban đầu là không đúng với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và sẽ rất khó kiểm soát. Ông Nguyễn Hải Phong đặt vấn đề: “Viện kiểm sát có kiểm sát được những thông tin mà công an xã phường thu thập được hay không, nếu không kiểm sát thì ai chịu trách nhiệm trong việc này? Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cân nhắc kỹ cái này, chứ không mai kia ban hành ra không có cơ chế giám sát quyền lực thì rất ngại. Ở chỗ nào không có giám sát quyền lực thì ở chỗ đó sẽ có lạm dụng quyền lực”.

Những băn khoăn của ông Nguyễn Hải Phong không phải không có lý, bởi vì đã xảy ra không ít trường hợp công an xã phường lạm dụng quyền lực, chưa kể có những cái chết không rõ nguyên nhân của các nghi can bị bắt vào đồn công an. Lời khai ban đầu rất quan trọng, nếu lấy lời khai không đúng nghiệp vụ, dễ dẫn đến sai lệch, dễ gây ra oan sai về sau. Có trường hợp nhận tội, nhưng khi chuyển lên công an huyện, tỉnh, thì nghi can khai do bị ép cung nên phải nhận cho xong chuyện. Vụ 4 công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh – Hà Nội đánh chết nghi can còn là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu công an xã phường không được quyền lấy lời khai ban đầu thì ai sẽ làm việc này. Hầu hết các vụ án đều xảy ra ở cơ sở, có những xã cách xa huyện, đợi cán bộ điều tra đến thì mất yếu tố quan trọng về thời gian, vật chứng. Cho nên, công an xã phường cần tiến hành lấy lời khai ban đầu. Hoạt động này không phải là hoạt động tố tụng, vì hoạt động tố tụng chỉ xảy ra khi có quyết định khởi tố vụ án, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng là kịp thời ghi nhận các chứng cứ, lời khai làm cơ sở cho việc điều tra về sau.

Vấn đề đặt ra là trình độ công an xã phường phải được chuẩn hóa, quy định cụ thể chỉ có trưởng, phó công an mới được thực hiện nhiệm vụ này, công an viên không được lấy lời khai. Câu hỏi ai sẽ giám sát thông tin của công an xã phường thu thập sẽ được trả lời, đó chính là người dân. Cần quy định khi công an xã phường lấy lời khai, phải có người dân chứng kiến, tương tự như hoạt động lập biên bản vi phạm hành chính. Sự có mặt của người dân khi thu thập chứng cứ và lời khai ban đầu sẽ giúp cho báo cáo của công an xã phường khách quan, hạn chế lạm dụng quyền lực, hay việc đánh đập nghi can.

Quy định công an xã phường có quyền lấy lời khai ban đầu là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, nhưng cấn phải chuẩn hóa trình độ của lực lượng công an phường xã, đặc biệt là giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức của người công an nhân dân. Điều này không chỉ phục vụ tốt cho việc lấy lời khai, mà nhiều hoạt động khác để phục vụ nhân dân.

Lê Chân Nhân