Con tầu mới cần phải có tài xế mới và đường ray mới

(Dân trí) - Chúng ta đang phải đứng trước hai sự lựa chọn. Một là đổi mới thể chế kinh tế để phát triển như ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Hai là sẽ tiếp tục “tụt hậu, bị bỏ lại rất xa” như lời của ông Vịnh.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, vấn đề đổi mới thể chế kinh tế để phát triển đất nước lại được đặt ra ngay sau kỳ bầu cử Quốc hội XIV. Đây là vấn đề không mới bởi cách đây 2 năm (10/2014), trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề nghị. “Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật, chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi”.

Lý giải cho yêu cầu này, Bộ trưởng Vinh nói: “Không đổi mới cán bộ không đổi mới được nền kinh tế, vì các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới. Cho nên, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm đổi mới được…”.

Vừa qua, tại phiên Hội thảo quốc tế xung quanh bản báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” mang tên “Khát vọng Việt Nam 2035” do Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam tổ chức, vấn đề đổi mới thể chế lại tiếp tục được đặt ra, lần này, bắt đầu từ đòi hỏi của cuộc sống.

Phát biểu trong hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam đã nói thẳng “Thể chế nào doanh nghiệp đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là một mối tác động hai chiều”.

Đây cũng là ý kiến không mới (trong nghề báo cũng có câu tương tự “tổng biên tập nào, tờ báo ấy”), song có lẽ ở ta không phải ai cũng hiểu sâu sắc điều này.

Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bản báo cáo viết: “Việc thiên vị các DNNN, hoặc doanh nghiệp khác là do có quan hệ thân hữu với nhà nước. Chính thực tế đó đã làm giảm khả năng của cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh”.

Bàn về nội dung này, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nếu như vào Thế kỷ 19, kinh tế Việt Nam ngang bằng, thậm chí vượt nhiều quốc gia trong khu vực.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tụt hậu, bị bỏ lại rất xa. Nguyên nhân nằm ở đâu? Chính là những bất cập về thể chế. Do vậy, nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam còn bị bỏ xa hơn nữa.

“Ta đang rơi vào tình trạng trì trệ và cần phải có sự thay đổi. Những nhân tố tăng trưởng đang có xu hướng giảm, năng suất bình quân lao động gia tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn. Năng suất lao động giảm thì sức cạnh tranh yếu đi, làm cho kinh tế trì trệ không phát triển được". Ông Vịnh nói.

Qua những nhận xét trên, có cảm giác như chúng ta đang phải đứng trước hai sự lựa chọn. Một là đổi mới thể chế kinh tế để phát triển như ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Hai là sẽ tiếp tục “tụt hậu, bị bỏ lại rất xa” như lời của ông Vịnh.

Nhớ lại lời phát biểu của ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng về vấn đề này ngày 31/10/2014 tại nghị trường Quốc hội: "Ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ thì làm sao nhìn thấy chân trời mới".

Một câu nói rất ấn tượng bằng một hình ảnh cũng rất ấn tượng. Con tầu mới cần phải có tài xế mới và đường ray mới. Nếu như một trong ba yếu tố trên mà vẫn duy trì như cũ thì “làm sao nhìn thấy chân trời mới”?

Có lẽ chính vì thế mà ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “mở hàng” bằng cuộc gặp gỡ doanh nhân với cam kết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Bùi Hoàng Tám