Còn quan chức nhận quà thì còn người tặng quà
(Dân trí) - Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên, đó là một trong những chỉ đạo tại Chỉ thị số 21 do Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký ban hành, đã được các báo đăng tải mấy hôm nay.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tặng quà Tết cho bạn bè, người ân kẻ nghĩa nhân dịp Tết đến là một truyền thống đẹp của người Việt. Nhưng truyền thống ân nghĩa bị biến dạng trở thành cách thức để hối lộ, chạy chọt, trả ơn hoặc “đặt hàng” trước cho một mục đích sau đó. Món quà Tết chính vì thế mang giá trị vật chất lớn, là những món tiền vượt qua hai chữ quá cáp thông thường.
Người tặng quà có mục đích và người nhận cũng nhận tiền vì đã thực hiện hoặc sắp thực hiện yêu cầu của người đặt ra mục đích. Cho nên, hành vi này thực chất là đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Đưa và nhận hối lộ là hành vi phạm tội, những người có hành vi này là một loại tội phạm, khó có thể ngăn cản được bằng một lời chỉ đạo. Việt Nam có sẵn những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi đưa và nhận hối lộ, nhưng tội phạm này vẫn hoành hành. Đó là thực tế không thể chối cãi. Một sự chỉ đạo theo kiểu động viên không thể ngăn cản được tội phạm, chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng.
Cấm quà cáp cho cấp trên, nhưng cấm bằng cách nào thì quả không dễ. Khi đã có mục đích đưa hối lộ hay mua chuộc cấp trên thì có nhiều cách để đưa tiền. Đến nhà tặng quà là chuyện quá xưa như “truyền thống”, thời hiện đại tặng quà kiểu khác, nhanh gọn và hiệu quả.
Tặng cho vợ quan vài chiếc nhẫn kim cương, chẳng lẽ vợ quan lại tự đi mách với bà hàng xóm. Tặng cho con trai quan chiếc xe hơi đời mới nhân dịp Tết, chẳng lẽ con quan lại đi khai việc ấy ra. Tặng cho con gái quan căn hộ cao cấp để làm của hồi môn đương nhiên con gái quan chẳng dại gì nói ai cho mà do mình tự làm.
Đấy là nói đến chuyện quan hệ những nhóm lợi ích ràng buộc, có qua có lại. Còn rất nhiều người khác, tuy lợi quyền không nhiều, nhưng cũng phải biết điều với cấp trên để tồn tại, để có được những ưu ái, chí ít thì cũng đừng bị trù giập. Với họ, dù có cấm hay không, họ cũng phải khéo léo ứng xử để làm hài lòng cấp trên. Và thật khó “bắt quả tang” các vụ tặng quà này để xử phạt.
Rất ủng hộ việc cấm tặng quà cho cấp trên, nhưng ngẫm lại, một khi cấp trên đã muốn nhận quà thì khó có thể cấm cấp dưới.
Ngược lại, cấp trên đã kiên quyết không nhận quà thì đố có cấp dưới nào dám mang quà đến tặng.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!