Có vị thứ trưởng nào từ chức vì chuyện này không nhỉ?

(Dân trí) - Nói thế thôi chứ mình cứ cá rằng 100% là chả bao giờ xảy ra chuyện đó. Sẽ chẳng có vị thứ trưởng nào vì chuyện này mà… “Từ Văn Chức” đâu. Yên tâm nhé, còn nếu bạn nào hoài nghi, có dám “cá độ” vụ này không nhỉ?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Chuyện này” ở đây là chuyện khoán xe, đã được nêu lên từ hơn 10 năm nay. Nó bắt đầu từ đề nghị của Bộ Tài chính để rồi sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 59 về việc khoán này.

Thế nhưng gần một thập kỉ qua (5/2007), mới có một người duy nhất là ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận thực hiện. Vì thế, giờ không còn ai nữa vì ông Thuận về hưu đã lâu lắm rồi.

Song gần đây, sự việc có vẻ tiến triển tốt khi Bộ Tài chính, tác giả của đề xuất trên chính thức khoán xe đưa đón cho 6 vị Thứ trưởng.

Tuy mới là thí điểm và cũng mới chỉ khoán ở việc đưa đón từ nhà đến công sở, nó đã là một bước tiến quan trọng, mở đầu cho những bước tiếp theo.

Dư luận nhân dân thì tất nhiên, rất đồng tình rồi. Không đồng tình sao được khi những đồng tiền thuế mồ hôi, nước mắt của mình trước đây bị chi vô tội vạ cho các chuyến về quê, đón con, đón cháu hay cả đí cưới hỏi, chùa chiền của sếp và người nhà, giờ đây sẽ bị hạn chế (tất nhiên là hạn chế thôi).

Không đồng tình sao được khi mà trước đây, các bác ấy như người của “giai cấp khác”, lên xe xuống ngựa trên những chiếc xe biển xanh uy quyền giờ cũng đi xe taxi, xe buýt, xe máy, xe ôm giống người dân lao động bình thường khác như lời một vị thứ trưởng của Bộ này.

Thế nên, khi BLOG Dân trí đăng bài “Thứ trưởng tại sao không thể đi lại như người dân?” của tác giả Mạnh Quân, đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Hàng trăm thư điện tử (comment) gửi về góp ý, hiến kế và có cả sự… hoài nghi.

Thật ra, người ta hoài nghi cũng có cơ sở bởi ở ta, đã không ít những chủ trương lâm vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”, khi mới đầu thì “gõ trống, khua chiêng” nhưng rồi sau đó, chìm vào im lặng. Với chuyện khoán này, đã gần 10 năm trôi qua, giờ mới manh nha đi vào cuộc sống.

Hi vọng rằng sau bước thí điểm, sẽ áp dụng đại trà cho tất cả các chức danh từ thứ trưởng, phó các ban ngành ở Trung ương, Phó Chủ tịch UBND, HĐND và các chức danh tương đương ở tất cả các tỉnh thành toàn quốc.

Mà nhìn sâu xa, việc cắt dần “bổng lộc” của quan chức này còn có một cái hay nữa. Đó là bác nào thật lòng vì nước, vì dân cống hiến như lời các bác ấy hay nói thì sẽ càng yên tâm công tác. Ngược lại, bác nào mà vì lợi ích cá nhân nhưng vẫn “múa mép, khua môi” vì dân, vì nước thì chăc chắn sẽ “lộ hàng”.

Với lại, một khi bị “tước đi” những “đặc quyền, đặc lợi”, sẽ có người không đồng ý. Vấn đề là họ có nói ra hay không nói ra thôi. Mà nghĩ ở ta cũng lạ, nếu không đồng tình, tại sao không nói thẳng ra nhỉ.

Ví như bỗng một ngày đẹp trời, có một vị thứ trưởng nào đó hùng hồn tuyên bố: “Việc khoán xe này không hợp lý, làm khó khăn công việc của tôi khiến tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, tôi tuyên bố… từ chức”.

Ôi chao ôi! Nếu điều đó xảy ra, mình sẽ vô cùng thán phục dù nó là… tất yếu. Ví như một người làm công việc cần phải di chuyển chẳng hạn, đề nghị cơ quan trang bị phương tiện, nếu cơ quan đáp ứng thì “Ô Văn Kê”, còn không thì “Gut Văn Bai”, chào đi làm việc khác. Đơn giản vậy thôi, nhỉ!

Nói thế thôi chứ mình cứ cá rằng 100% là chả bao giờ xảy ra chuyện đó. Sẽ chẳng có vị thứ trưởng nào vì chuyện này mà… “Từ Văn Chức” đâu. Yên tâm nhé, còn nếu bạn nào hoài nghi, có dám “cá độ” vụ này không nhỉ?

Bùi Hoàng Tám