Có thêm “đạo lý”: Uống nước nhớ tương lai?

(Dân trí) - Cái đáng sợ và nguy hại nhất của sai sót không phải chính sự sai sót đó, bởi vì ai cũng có thể sai, mà bởi vì người ta không chịu nhận mình sai.

 

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 

Vụ cộng 2 điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học là không chịu nhận sự hạn chế trong soạn thảo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

 

Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu với báo chí rằng: “Cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn”. Xin thưa với Thứ trưởng, để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn có rất nhiều cách. Nhưng cách gì thì cũng nhằm để cho đối tượng thụ hưởng chính sách hưởng được chính sách cụ thể.

Xin được hỏi từ trước đến nay đã có Bà mẹ Việt Nam anh hùng nào đi thi đại học không? Chắc chắn là không. Quý vị có tin rằng sẽ có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học không?

 

Thế mà các vị cứ chống chế cho bằng được!

 

Còn ông Tạ Văn Thiều – Phó Cục trưởng Cục người có công – Bộ LĐTBXH lại đưa ra lý luận: “Có Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ chưa đầy 30 tuổi”. Ai cũng biết “quan bênh quan, phủ bênh phủ”, nhưng bênh như thế này thì bằng mười hại nhau.

 

Bởi vì, ông Thiều lập luận rằng có người mẹ 18 tuổi đã có con, người con ấy chưa được 10 tuổi có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà hy sinh, có thể được công nhận liệt sĩ. Trong trường hợp này, người mẹ có thể được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (xin lưu ý là “phong tặng” chứ không phải “truy tặng”).

 

Các vị giải thích và đưa ra tình huống như trên có nghĩa là thừa nhận các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện tại hoàn toàn không thể đi thi đại học, mà tính đến những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tương lai. Có nghĩa là các vị ban hành quy định vì đạo lý “Uống nước nhớ… tương lai”.

 

Nhưng cũng xin thưa rằng, việc được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đâu có dễ dàng như lập luận của quý vị.

 

Ngày 22/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo đó, 05 trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gồm: Người có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

 

Nghị định cũng nêu rõ, người con liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”,

 

Như vậy, người mẹ 30 tuổi đó phải có con 10 tuổi đã hy sinh và được tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Chưa kể, nếu bà mẹ 30 tuổi đó có 2 con thì sao? Nếu có một con và chồng còn sống thì sao vì có thể sinh thêm con thứ 2. Có nghĩa là, để có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng 30 tuổi như “tưởng tượng” ra thì không biết cả thế kỷ có được người nào hay không? Chưa kể, có thể bà mẹ đó, nếu có, thì đã tốt nghiệp đại học, hoặc bà mẹ đó không có nhu cầu thi đại học.

 

Soạn thảo và ban hành một quy định mà quy định đó điều chỉnh cho một đối tượng không có trong xã hội và chỉ có trong trí tưởng tượng thì quy định đó có đáng để tồn tại hay không?

 

Giả sử như trong tương lai, có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng 30 tuổi như tưởng tượng, thì nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp vì trường hợp quá cá biệt, không nhất thiết phải đưa ra quy định cộng 2 điểm thi đại học trong một thông tư mà dư luận không đồng tình..

 

Lê Chân Nhân