Cơ hội nhiều, vấn đề là… “đừng bỏ lỡ”

(Dân trí) - Một tin vui sau một thời gian dài chờ đợi, chiều 12/11, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ tán thành tuyệt đối (đạt 100%).

Cơ hội nhiều, vấn đề là… “đừng bỏ lỡ” - 1

Như vậy, nước ta trở thành quốc gia thứ 7 gia nhập hiệp định này và chỉ còn hơn một tháng rưỡi để chuẩn bị cho đến khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực kể từ 30/12 tới.

Dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, CPTPP (hay còn gọi là TPP-11) vẫn được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay! Đây được cho là một bước ngoặt lớn đối với kinh tế nước nhà và có tầm quan trọng không khác bao nhiêu thời điểm cách đây 11 năm khi chúng ta gia nhập WTO.

Với tổng giá trị GDP 11 nước thành viên lên tới 10.000 tỷ USD, hiệp định này bao phủ trên 13% GDP toàn cầu. Do đó, đương nhiên CPTPP sẽ mang nhiều cơ hội lớn.

Rất nhiều con số ấn tượng đã được Chính phủ đề cập trong tờ trình ra Quốc hội. Có thể kể đến việc CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%. Tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày) mở ra cơ hội.

Và điều quan trọng, như TBT - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”.

Tuy nhiên, nói đến “cơ hội” nghĩa là vẫn còn một chặng đường phấn đấu. Biến “cơ hội” thành “hiện thực” mới là điều quan trọng! Từ thực tế hơn 10 năm gia nhập WTO và hàng loạt FTA đã được ký kết, bên cạnh những bước tiến “thần kỳ” thì vẫn còn đó không ít “góc tối” mà các nhà hoạch định chính sách cho đến các doanh nghiệp phải nhìn thẳng vào: Không ít lợi ích từ hội nhập và mở cửa đã bị chúng ta bỏ lỡ.

“Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI – người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã phát biểu như vậy ngay trước Quốc hội.

Nói như vậy không phải là để bi quan, mà phải tìm ra được những “lí do khác nhau” ấy là gì. 60% nghĩa là đã “quá bán”. Hơn nửa lợi ích bị bỏ lỡ, quả thực là quá đáng tiếc!

Trong khi đó, thách thức thì hiện hữu. Chính phủ cũng đã nhìn nhận rõ những thách thức này, từ kinh tế cho đến khung khổ pháp luật, thể chế, xã hội, thu ngân sách, an toàn thông tin… Nhiều mặt hàng, nhiều doanh nghiệp sẽ có thể bị đào thải vì sức ép cạnh tranh, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm ngay chính trên “sân nhà”…

Để chuẩn bị cho CPTPP, trong những năm qua, Chính phủ cũng đã có những động thái cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn chưa được như mong đợi. Bằng chứng là trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua cho thấy, Việt Nam chỉ đứng thứ 69 và xếp cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP.

Cơ hội hay thách thức – dù là gì thì cũng đã đến rất gần. Nếu biết nhìn thẳng vào những khiếm khuyết, khắc phục khó khăn và tận dụng tối đa cơ hội, tin rằng, con tàu kinh tế sẽ rẽ sóng ra khơi!

Bích Diệp