Cơ hội của Bộ trưởng Nghĩa và những con đường không trải “hoa hồng, hoa huệ”!
(Dân trí) - Có lẽ giá thành mỗi km của các nước thấp hơn, chất lượng lại cao hơn còn bởi vì trong chi phí của họ không có phần “phát sinh” hay nói hình ảnh là bởi những con đường đó không được rải bằng… hoa hồng, hoa huệ!
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã khép lại với nhiều dư âm như thường thấy ở nhiều kỳ họp qua. Công bằng mà nói, việc trở lại với thời gian chất vấn 3 ngày sau 23 năm (năm 1994 đã là 3 ngày, sau giảm xuống) phần nào thỏa mãn cả người chất vấn, trả lời chất vấn cũng như cử tri cả nước.
Tuy vẫn còn không ít những tồn tại như câu hỏi dài khiến không chỉ chuông reo mà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phải trực tiếp nhắc nhở hay những câu trả lời chưa đúng trọng tâm khiến người điều hành phải “gánh đỡ” thì về cơ bản, đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội một cách công khai, dân chủ, không né tránh.
Theo người viết bài này, có hai chủ đề nóng bỏng nhất, khó lý giải và cũng nhạy cảm nhất đã được giải đáp một cách tương đối thỏa đáng. Đó là chuyện về qui hoạch Bán đảo Sơn Trà và tàu vỏ thép.
Nếu đối với bán đảo Sơn Trà, bằng thái độ thẳng thắn, công khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa bày tỏ quan điểm rõ ràng của Chính phủ vừa chuyển tải thông điệp bước đầu về hướng giải quyết thì đối với tàu vỏ thép, bằng thực tế đã làm cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải đáp khá thỏa đáng các vấn đề được đại biểu nêu ra.
Câu trả lời của Bộ trưởng Cường đã nhận được sự hoan nghênh ngay sau đó của một Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, đối với một số vị, do lần đầu trả lời chất vấn và cả những tồn tại “khó đỡ” nên đôi lúc còn có biểu hiện lúng túng.
Thật tình, với những gì vừa diễn ra tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, khó có thể không làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện không lúng túng.
Có một lời nhận xét hơi “đau” thuộc về Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng của Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khi bà Thúy nói:
“Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, ĐBQH khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu!”.
Đối với Bộ trưởng Giao thông Vận tải thì có lẽ lại là điều đáng tiếc vì bỏ lỡ một cơ hội cùng các Đại biểu Quốc hội bàn bạc để đưa ra giải pháp cho một vấn đề nan giải nhiều năm qua. Đó là chất lượng và giá thành mỗi km đường ở Việt Nam.
Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đã dẫn nhận định của GS.TS Võ Đại Lược và Thạc sĩ Nguyễn Trung Thành - đại học Fulbright cho biết, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.
“Như vậy cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 - 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương”, ông Nhường nhận xét.
Trả lời ĐB Nhường, ông Nghĩa cho biết đối với đường cao tốc 6 làn xe, tiêu chuẩn quy mô đường thì ở Đức khoảng 10,9 triệu USD/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD/km; Hunggary khoảng 13,3 triệu USD/km; Áo là 16,7 triệu USD/km; ở Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD/km và ở Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 triệu USD/km. Trong Đề án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT dự kiến khoảng 9,5 triệu USD/km.
Trả lời của Bộ trưởng Nghĩa đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về Dân trí và đều có chung quan điểm rằng sự so sánh như vậy quá khập khiễng bởi giá thành của ta thì cao hơn nhiều lần nhưng chất lượng lại thấp hơn nhiều lần.
Có ý kiến cho rằng liệu có hợp lý không khi mà tiền nhân công cũng như đời sống các nước trên đều cao hơn Việt Nam ta nhiều lần.
Về câu hỏi “Trong điều kiện nguồn lực của ta có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm suất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc, để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?” của ĐB Nhường, không hiểu vì sao lại không được Bộ trưởng Nghĩa trả lời khiến Nhà báo Bích Diệp trong bài “12 triệu USD/km: Bộ trưởng nói gì khi cao tốc Việt Nam đắt hơn cả Mỹ và Trung Quốc?” đã thốt lên: “câu hỏi về giải pháp thì Bộ trưởng vẫn chưa trả lời Đại biểu”.
Với người viết bài này, có lẽ giá thành mỗi km của các nước thấp hơn, chất lượng lại cao hơn còn bởi vì trong chi phí của họ không có phần “phát sinh” hay nói hình ảnh là bởi những con đường đó không được rải bằng… hoa hồng, hoa huệ!
Bùi Hoàng Tám