Cô Hiệu trưởng, bà Phó sở và ông Chánh sở ở Tiền Giang

(Dân trí) - Để có cách hành xử văn hóa đó trước hết phải là người “thật lòng nhận lỗi” và “tầm văn hóa” nhất định.,Tiếc thay, hình như ông Đảm chưa có được những điều tối thiểu trong cách hành xử này và nếu một người đứng đầu ngành văn hóa mà như vậy thì phải chăng, đó là “thiệt thòi” đối với miền đất cực Nam Tổ quốc?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vụ việc đưa bài “Màu hoa đỏ”, một ca khúc cách mạng nổi tiếng viết về chiến tranh của cố Nhạc sĩ Thuận Yến vào danh sách những tác phẩm bị cấm lưu hành không chỉ là một sai sót lớn mà còn là sự xúc phạm đến hương hồn tác giả.

Nói “xúc phạm lớn” là bởi nằm trong danh sách này, chắc có không ít những ca khúc hoặc nhảm nhí, hoặc tuyên truyền bạo lực, hoặc vi phạm thuần phong, mỹ tục, văn hóa Việt Nam, tức là nằm trong những điều luật pháp hiện nay nghiêm cấm.

Song, sự việc sẽ bớt nghiêm trọng, thậm chí có thể dễ dàng được bỏ qua nếu như những người thực hiện việc làm sai trái này biết nghiêm túc, thành tâm nhận và sửa lỗi.

Tiếc thay, tương tự như vụ tông xe của bà Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) hay bà Phó giám đốc bẻ hoa ở Bình Thuận, cách hành xử của vị Giám đốc VH-TT&DL Tiền Giang đã khiến một lần nữa, dư luận phẫn nộ.

Xin không bàn về lời xin lỗi gửi báo chí cũng như bản giải trình dài dằng dặc mà nội dung chủ yếu là “thanh minh, thanh nga”, đổ cho “cậu đánh máy” rồi nhận khuyết điểm, hứa kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm… như thường thấy ở hầu hết những bản giải trình, nhận lỗi của ta thì điều cần thiết nhất, đó là lời xin lỗi đến hương hồn và gia đình Nhạc sĩ Thuận Yến lại không được thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương, phu nhân của cố Nhạc sĩ Thuận Yến cho biết bà đã đọc được những lời xin lỗi này và bày tỏ: “Chúng tôi không cần lời xin lỗi gửi qua báo chí”.

Đây là phản ứng đúng và phù hợp với văn hóa hành xử truyền thống của người Việt, khi mắc lỗi với ai thì xin lỗi người đó.

Tuy nhiên, bà Hương còn chia sẻ đầy thông cảm với vị Giám đốc Nguyễn Đức Đảm: “Tôi nghĩ rằng, có thể ông Đảm lúc ký văn bản cũng không đọc danh mục những bài hát đính kèm mà cứ ký đại đi. Lỗi của ông này là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm với công việc. Lỗi lớn thuộc về cấp dưới của ông ấy đó là khi đưa văn bản lên cấp trên đã không giải thích rõ”.

Thậm chí, bà Hương bày tỏ: “Thật lòng là chúng tôi không cần lời xin lỗi mà chỉ cần ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cư xử làm sao cho đúng, cho hợp lòng dân. Nói đúng ra, nếu là người thật lòng nhận lỗi, thì khi cơ sự xảy ra như thế rồi cũng nên có một cú điện thoại, xin lỗi trực tiếp gia đình tôi chứ không phải báo chí gọi điện đến hỏi có xin lỗi không thì nói xin lỗi cho qua chuyện. Hoặc xin lỗi bằng văn bản gửi cơ quan nảo, cơ quan nào”.

Đọc những thông tin trên cho thấy, bà Hương và gia đình chỉ có một yêu cầu “bé xíu”, đó là “khi cơ sự xảy ra như thế rồi cũng nên có một cú điện thoại, xin lỗi trực tiếp gia đình tôi”.

Người Việt ta vốn vị tha là vậy. Chỉ “một cú điện thoại” là mọi việc đang bức xúc bỗng nhiên được giải tỏa. Thế nhưng tại sao ông Giám đốc Đảm lại không làm được việc tối thiểu đó nhỉ?

Ông không phải “là người thật lòng nhận lỗi” như nghi vấn của bà Hương hay vì bởi “tối kiến” trong cách hành xử như nghi vấn của người viết bài này?

Đúng là nếu “thật lòng” và biết hành xử, ngay khi nhận được thông tin từ dư luận, không chờ ý kiến của UBND Tiền Giang hay yêu cầu của Bộ VH-TT-DL, ông Đảm trực tiếp điện thoại đến gia đình “Nhờ chị thắp nén hương cho em tạ lỗi với hương hồn anh, khi nào ra Hà Nội, em sẽ đến trực tiếp tạ lỗi anh sau” (ví dụ thế), thì biết đâu, bà Thanh Hương chả xúc động đến nghẹn ngào mà… rung rung nước mắt.

Tất nhiên, để có cách hành xử văn hóa đó trước hết phải là người “thật lòng nhận lỗi” và “tầm văn hóa” nhất định.

Tiếc thay, hình như ông Đảm chưa có được những điều tối thiểu trong cách hành xử này và nếu một người đứng đầu ngành văn hóa mà như vậy thì phải chăng, đó là “thiệt thòi” đối với miền đất cực Nam Tổ quốc?

Bùi Hoàng Tám