Có cần một thùng nước lạnh?

(Dân trí) - Không tự ti nhưng cũng không được phép tự kiêu, tự đại, tự huyễn hoặc mình mà cần phải nhận rõ và chính xác về mình, nhất là không được tự lừa dối mình. Có lẽ, điều mà chúng ta cần bây giờ là một thùng nước lạnh! Phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 

Mới đây trên Tạp chí Tia sáng, GS.TSKH Trần Xuân Hoài có một bài viết giật mình SOS thứ bậc Việt Nam trên xếp hạng trí tuệ toàn cầu”. Bài báo khẳng định “trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng”. Thật xấu hổ!

Nhìn vào bảng xếp hạng thứ bậc, điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới/ Sáng tạo 5 năm qua (2008 - 2012) của Việt Nam và 3 nước láng giềng trong khu vực là Singapore, Malayxia, Thái Lan thấy rằng không chỉ xấu hổ mà còn hơn thế. Trong khi có nước đứng đầu (năm 2011 Singapo xếp thứ 1) thì Việt Nam luôn lẹt đẹt, trồi trụt ở quãng trung bình và có xu hướng thấp dần. Cụ thể:

Năm 2008, Việt Nam được 2.38 điểm - xếp thứ 65, Malayxia được 3.47 điểm - xếp thứ 26, Singapore 4.1 điểm  - xếp thứ 7, Thái Lan 3.01 điểm, xếp thứ 34.

Năm 2009: Việt Nam 2.97 – 64, Malayxia 4.06 – 25, Singapore 4.81 – 5, Thái Lan 3.4 – 44.

Năm 2010: Việt Nam 2.95 – 71, Malayxia 3.77 – 28, Singapore 4.65 – 7, Thái Lan 3.06 – 60.

Năm 2011: Việt Nam 36.71 – 51, Malayxia 44.05 – 31, Singapore 74.11 – 1, Thái Lan 43.33 – 48.

Năm 2012: Việt Nam 33.9 – 76, Malayxia 45.9, Singapore 64.8 – 3, Thái Lan 36.9 – 57. 

Theo GS Trần Xuân Hoài, năm 2011 chúng ta có sự đột biến trong thứ hạng (tăng 20 bậc) có thể do có ít nước tham gia hơn là do sự tiến bộ của Việt Nam.

 

Trong một bài báo mới đây, TS. Lê Văn Út và TS. Thái Lâm Toàn cho biết từ năm 2006 đến 2010, chúng ta chỉ có vẻn vẹn 05 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Năm 2011, không có một sáng chế nào. Trong khi đó, Nhật có 46.139 bằng, Hàn Quốc 12.262 bằng. Gần gũi chúng ta là các nước trong khu vực như Singapore cũng có 647, Malayxia 161, Thái Lan 53… Một nước nhỏ như Brunei chỉ với hơn 400 ngàn dân cũng có 01 bằng sáng chế. Còn Việt Nam, gần 90 triệu dân với đội ngũ giáo sư lên đến hơn 9.000 người mà không có bằng sáng chế nảo.

 

Có thể có ý kiến phản biện, cho rằng các con số này hoặc chưa chính xác, hoặc chưa đầy đủ… nhưng hãy thành thực với chính mình mà nói, chúng ta còn kém, rất kém.

Hãy quên đi những mĩ từ ru ngủ lòng mình như đất nước ta rất giàu và đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú hay dân tộc ta thông minh, sáng tạo, cần cù, chăm chỉ… Chúng ta có thông minh sáng suốt thật không nếu so với người Anh, người Ý, người Pháp, người Đức hay người Do Thái? Chúng ta có cần cù hơn các nước như người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ?

Xin hỏi cho đến nay chúng ta đã có đóng góp đỉnh cao gì cho nhân loại trong các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…? Chúng ta có phát minh nào làm thay đổi diện mạo thế giới hay chí ít là khiến thế giới phải khâm phục?

 

Cũng phải công bằng mà nói, Việt Nam chúng ta không phải là không có những tài năng. Sự kiện GS Ngô Bảo Châu và gần đây nhất, GS Đàm Thanh Sơn được phong Giáo sư Đại học (một chức “siêu” giáo sư ở Mỹ) và được mời về Đại học Chicago hay Giải nhất ISEF rồi thành tích trong kỳ  thi Olympic vừa qua là một minh chứng. Nhưng tiếc thay, với những tài năng như GS Châu hay GS Sơn thì không có bến đỗ nơi quê nhà. Còn các tài năng trẻ thì lại thiếu sự chăm sóc, nâng đỡ và luôn đứng trước nguy cơ mai một, thui chột dần.

 

Hãy dẹp đi những giấc mơ lãng mạn mà nhìn thẳng vào mình, nhận biết chính xác mình là ai, nằm ở vị trí nào trong cộng đồng thế giới để từ đó vươn lên. Đức Phật đã từng dạy: “Ngu dốt lớn nhất của đời người là tự đại – Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti – Tội lỗi lớn nhất của đời người là tự lừa dối mình”. Không tự ti nhưng cũng không được phép tự kiêu, tự đại, tự huyễn hoặc mình mà cần phải nhận rõ và chính xác về mình, nhất là không được tự lừa dối mình.   

Có lẽ, điều mà chúng ta cần bây giờ là một thùng nước lạnh!

Phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám   

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!