Cô bé tự cháy - Có thật hay... bịa đặt?
(Dân trí) - Mình thì thấy các nhà khoa học của ta, bác nào cũng tài cả, nói có lý cả. Không phải mình “ba phải” mà thành thực là mình… chả biết quái gì. Theo các bạn thì sự việc này có thật không? Nếu có thì vì sao và ngược lại, nếu không thì vì sao?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Những ngày qua, vụ việc em Th. 11 tuổi ở khu tập thể A75 đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM gây nên những vụ cháy kỳ lạ đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực đã tham gia nghiên cứu, tìm hiểu và lên tiếng phản biện. Có người còn mang cả các thiết bị chuyên dụng để trực tiếp đo đạc, khảo sát… Tuy nhiên, cho đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ.
Qua các phát biểu trên báo chí, mình nhận thấy hình như các nhà khoa học đang chia thành các luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng sự việc đó có thật và là bí ẩn của tiềm năng con người. Luồng ý kiến thứ hai thì cho là vô lý, bịa đặt và một số nhà khoa học khác thì chưa có chính kiến rõ ràng, chờ kết quả nghiên cứu.
Tiêu biểu cho ý kiến sự việc là có thật gồm các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội như PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Năng lượng Sinh học – CBE. Ông Phư khẳng định đây là hiện tượng có thật 100%.
Người thứ hai là Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin - Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người . Ông Hải cũng khẳng định “Không như mọi người nghi ngờ về chuyện cô bé và gia đình đốt cháy để đánh bóng tên tuổi mà việc gây cháy này là có thực”.
Người thứ ba là TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng – UIA đưa ra hai phương án, cô bé Th. có chứa năng lượng sinh học hoặc là năng lượng tâm linh huyền bí.
Người thứ tư, PGS-TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM; Chủ tịch hội đồng khoa học nghiên cứu về trường hợp cô bé làm cháy đồ vật còn cho biết đã sử dụng thiết bị kỹ thuật và sắp tới sẽ sử dụng cả… lá số tử vi để suy đoán. Qua việc điện não đồ bằng phương pháp RFI, PGS Hùng cho biết trên bán cầu não phải là nơi tư duy trừu tượng xuất hiện vệt hơi lạ mà chỉ những nhà tu hành, triết học, họa sỹ, nhà tôn giáo mới có hiện tượng đó…
Người thứ năm, ThS Vũ Đức Huynh - Chuyên gia nghiên cứu về ngoại cảm, tâm linh cho rằng với bé gái này, nguồn năng lượng ở dạng sóng nên có thể phát năng lượng sóng giống như sóng viba làm chập điện, gây cháy, nổ cầu chì...
Về ý kiến phủ nhận gồm các nhà khoa học tự nhiên như TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, TS Cao Huy Thiện - Phó Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM, PGS. Dương Ngọc Huyền - Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo TS Khải, không thể có điều đó xảy ra vì nó trái với Định luật bảo toàn năng lượng.
GS Cao Huy Thiện cũng không tin năng lượng xuất phát từ cơ thể con người có thể gây cháy đồ vật. Ông Thiện cho rằng trong trường hợp này phải thực nghiệm khả năng gây cháy của cháu bé là có thật hay không rồi mới có nghiên cứu tiếp theo. GS Thiện không đồng tình với việc dùng phương pháp RFI trong trường hộp này: “Việc đưa cháu chụp RFI khi chưa chứng minh khả năng gây cháy là không phù hợp”. Ông Thiện nói.
PGS. Dương Ngọc Huyền - Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết năng lượng trong mỗi con người chỉ có thể di chuyển như đẩy, hút hoặc làm cong các vật nhỏ, nhẹ như cây kim, cái thìa bé nhưng lớn đến mức có thể làm cháy những vật lớn như ổ điện, nắp bồn cầu, tủ quần áo… là một điều rất khó xảy ra.
Một số nhà khoa học khác như GS.TS Hà Huy Bằng - Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng cao, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, TS. Phạm Văn Thiều - Phó Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam cho rằng cần có những nghiên cứu cụ thể và thận trọng trong đồng ý cũng như phủ nhận.
Mình thì thấy các nhà khoa học của ta, bác nào cũng tài cả, nói có lý cả. Không phải mình “ba phải” mà thành thực là mình… chả biết quái gì. Tuy nhiên, mình nghĩ chuyện cháy là có thật vì như tâm sự của anh Việt, cha cô bé: "… có người cho rằng bé "tự đốt" để gây chú ý, để nổi tiếng khiến chúng tôi hết sức đau lòng. Gia đình chỉ mong cháu trở lại cuộc sống bình thường như trước đây, chứ không muốn nổi tiếng như một số người nghĩ".
Theo các bạn thì sự việc này có thật không? Nếu có thì vì sao và ngược lại, nếu không thì vì sao? Nói một cách khác, bạn về “phe” các nhà khoa học tự nhiên hay về “phe” các nhà khoa học xã hội?
Bùi
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!