Chuyện “ông Tây dọn rác” và những kẻ đầu độc nguồn nước sông Đà
(Dân trí) - James Joseph Kendall, 37 tuổi, một người Mỹ đến từ Springfield (bang Ohio, Mỹ) còn được mệnh danh là “ông Tây nhặt rác”, “ông Tây lội mương thối”. Trong 3 năm qua, James đã cùng với các tình nguyện viên của mình nhặt được khoảng 2 nghìn tấn rác tại hàng trăm địa điểm khác nhau ở Hà Nội.
2 nghìn tấn rác, đó quả là một con số khổng lồ và đáng kinh ngạc với nỗ lực của một người đàn ông ngoại quốc khi đang cố gắng làm sạch và lan toả ý thức bảo vệ môi trường ở Thủ đô Hà Nội.
Để nói về James, quả thực có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều những thắc mắc, băn khoăn mà hầu hết những người bình thường chúng ta đều cảm thấy khó cắt nghĩa.
Điều gì đã thôi thúc chàng trai vốn dĩ sống ở cách chúng ta nửa vòng trái đất lại tâm huyết với môi trường Hà Nội đến như vậy?
Còn nhớ vào năm 2016, khắp mạng xã hội và báo chí đều sửng sốt với hình ảnh “ông Tây” nhễ nhại mồ hôi, không ngại lội xuống dòng nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu để vớt rác ở khu vực Trung Hoà - Nhân Chính.
Và càng sửng sốt hơn khi công việc khó khăn ấy lại được chàng trai Mỹ và những người bạn của mình duy trì suốt 3 năm qua. Không hề có chiêu trò. Không nhằm PR tên tuổi. Không một chút vụ lợi cá nhân. Tất cả những hành động đó của James xuất phát với sự vô tư và hơn cả là trách nhiệm với mảnh đất mà anh đang sống, muốn gắn bó dài lâu.
“Tôi không nghĩ sẽ nổi tiếng và được nhiều người biết đến vậy. Tôi dọn rác vì đơn giản là thấy bẩn và nghĩ mình cần phải làm điều gì đó”, James tâm sự. Bản thân anh cũng chia sẻ rằng: “Nhiều người hay hỏi tôi “Vì sao lại làm điều đó?” còn tôi thì luôn tự hỏi ngược lại: “Tại sao chúng ta lại không thể nhặt rác, bảo vệ môi trường sống của mình?”.
Tại sao chúng ta lại không bảo vệ môi trường sống của mình? Một điều tưởng như là hiển nhiên, là lẽ thường tình, ấy vậy mà vì sao chúng ta lại phải “cân đo đong đếm” nhiều như vậy, và lại càng khó khăn hơn khi thể hiện ra bằng hành động?
Trong bài “Ông Tây lội mương thối” và hành trình 3 năm nhặt hàng nghìn tấn rác ở Hà Nội”, phóng viên Hà Trang của Dân trí cho biết: “Ban đầu, khi biết James có ý định làm sạch đường phố, dọn mương thối, nhiều người đã khuyên anh nên từ bỏ vì cho rằng đây là công việc “mất công, vô ích”.
Thế nhưng, sau vài ngày chứng kiến sự nhiệt tình, tâm huyết của James cũng như nhìn thấy rõ hiệu quả mà nhóm đã làm được, nhiều người dân xung quanh cũng bắt tay vào thực hiện. Trong đó, có không ít các em nhỏ và những người lớn tuổi, người nước ngoài”.
Trân trọng những điều mà James đã làm, tôi ước sức lan toả của những hành động đẹp ấy lại càng mạnh mẽ hơn nữa.
Nhìn vào sự cống hiến của một người ngoại quốc ngay trên đất nước mình, mong rằng nhiều người sẽ tự cảm thấy xấu hổ và sống có ý thức với cộng đồng hơn, sẽ hạn chế những hành động xả rác bừa bãi, lạm dụng rác thải nhựa?
Và khi nghe James bày tỏ: “Tôi yêu Hà Nội và yêu Việt Nam nên tôi mong muốn có thể chung tay, góp phần giúp nơi đây trở nên tươi đẹp, đáng sống hơn” lại không khỏi phẫn nộ với những kẻ đang tâm huỷ hoại có chủ đích tới môi trường, “đầu độc” cả nguồn nước mà hàng vạn đồng bào mình đang sử dụng.
Càng trân quý những tấm gương vì môi trường như James và cộng sự của anh, càng phải thẳng tay loại bỏ những kẻ vì lợi ích bản thân mà tàn phá, huỷ hoại môi trường, bán rẻ an toàn, sức khoẻ người dân - Phải loại bỏ không khoan nhượng!
Và càng phẫn nộ hơn khi được biết vụ đổ dầu thải xuống nguồn nước Sông Đà được thực hiện như một mưu đồ đen tối bởi 2 đối tượng trực tiếp xả trộm dầu thải được thuê lái xe tải từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa (khoảng 10m3), sau đó di chuyển về gửi tại Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (Hưng Yên). Hai ngày sau, cả 2 cùng "kẻ chủ mưu" lái xe lên Hòa Bình xả trộm dầu thải rồi bỏ trốn.
Bích Diệp