Chuyện "Hải quan không làm luật": Không có lửa, sao có khói?

(Dân trí) - Tuần trước, bản tin "Đình chỉ 8 cán bộ hải quan vì clip 'làm luật' ở sân bay Nội Bài" đã có tới gần 500 bình luận của độc giả báo Dân trí. Lạ thay, đại đa số ý kiến bình luận đều tỏ ý không tin với kết luận của Cục Hải quan Hà Nội: "Không có chuyện làm luật", cho dù, quả thật, việc tìm kiếm bằng chứng có việc đó hay không là khó khăn.

Chuyện "Hải quan không làm luật": Không có lửa, sao có khói? - 1

Câu chuyện bắt đầu từ việc một người phụ nữ đi trên chuyến bay từ Nhật về, mang theo vài kiện hàng nhỏ và được Hải quan sân bay Nội Bài yêu cầu đưa vào một căn phòng nhỏ để kiểm tra.

Người phụ nữ này đã tỏ ra giận dữ, để cô con gái đi cùng quay toàn bộ clip, tung lên mạng (facebook) và tố cáo 2 cán bộ, nhân viên hải quan tại đây gây khó dễ. Theo phản ánh của công dân này, chỉ vì không chịu "làm luật" 5 triệu đồng nên mặc dù số hàng trên không đáng bị coi là loại hàng hóa đáng bị kiểm tra (cồng kềnh) nhưng vẫn bị đưa vào phòng khám.

Quả thực, xem hết cả đoạn video clip nói trên, rất khó thấy có một bằng chứng nào, một câu nói hay cử chỉ nào cho thấy các nhân viên hải quan đó đã vòi tiền để không kiểm tra số hàng. Nhưng ít nhất có thể thấy có một số vi phạm: Một nhân viên hải quan đã không mặc trang phục theo quy định của ngành, có một số lời nói không đúng mực và một người khác tuy mặc trang phục nhưng phanh ngực, không cài cúc áo. Nhưng ngay cả người phụ nữ có lời tố cáo trên cũng có lúc có những lời nói không chuẩn mực khi làm việc với cán bộ nhà nước.

Và một điều đáng nói, theo phản ánh thì đây là phòng kiểm tra thủ tục hải quan, nhưng xem clip và theo phản ánh, không thấy có thiết bị camera lắp đặt để giám sát công việc của cán bộ hải quan- một yêu cầu cần thiết để minh bạch, công khai hoạt động của cán bộ, nhân viên nhà nước, nhất là công việc của một ngành khá nhạy cảm như ngành hải quan.

Điều bất ngờ là trong hàng trăm ý kiến bình luận sau bài báo trên gửi tới Dân trí, đại đa số ý kiến cho rằng có câu chuyện "làm luật" của cán bộ Hải quan sân bay Nội Bài. Không hẹn mà gặp, có rất nhiều ý kiến cho biết họ đã từng được gợi ý chi tiền "trà nước", tiền "bồi dưỡng"... với các mức khá đồng nhất 1 triệu, 1,5 tr, 2 triệu, 5 triệu đồng, tùy theo kiện hàng.

Không có ai có ghi âm hay bằng chứng chắc chắn cho thấy có việc đưa tiền trên cho cán bộ hải quan sân bay Nội Bài mà họ nêu ý kiến, phản ánh- một điều rất cần thiết để có cơ sở cho cơ quan chức năng có thể ghi nhận, xử lý những hành vi không liêm chính.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi sau cả một chặng bay dài, mệt mỏi, nào có ai có tinh thần sẵn sàng bật máy ghi âm để ghi lại những điều mà nhân viên hải quan sẽ "gợi ý" mình? Lúc đó, ai cũng muốn lấy đồ, về nhà với gia đình cho nhanh, đâu thấy phải có trách nhiệm kiếm bằng chứng để tố giác nhân viên nhà nước không liêm chính?

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết bài này, khi có hàng loạt ý kiến của người dân, trong đó có cả những người nước ngoài phản ánh khá thống nhất thực tế trên thì Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội cũng nên xem xét để làm rõ có câu chuyện "làm luật" hay không bởi những phản ánh đó có tính khách quan nhất định.

Có lẽ cũng không phải tự nhiên mà ngay lập tức sau đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP Hà Nội đình chỉ toàn bộ kíp trực làm thủ tục cho 2 hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam có phản ánh câu chuyện trên. Ít nhất là xem clip, cũng thấy có một số biểu hiện về tác phong làm việc không đúng mực của cán bộ hải quan Nội Bài. Nhưng người dân rõ ràng đã rất bức xúc về một thực tế không phải chỉ xảy ra ngày một, ngày hai ở cửa khẩu hàng không này.

Những giải thích ban đầu của Cục Hải quan Hà Nội rõ ràng chưa đủ sức thuyết phục. Tổng cục Hải quan cần có chỉ đạo kiên quyết hơn nữa, ít nhất phải chấn chỉnh được tình trạng kiểm tra hàng hóa người dân mà không có camera giám sát, hàng được kiểm tra không phải là loại hàng cồng kềnh (theo như clip thì chủ yếu là quần áo, các món quà tặng làm từ thiện) và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức.

Nếu như việc kiểm tra, giám sát tùy tiện, không được minh bạch, công khai hóa, thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ động cơ của cán bộ, công chức. Nếu chỉ 1-2 người phản ánh có chuyện tiêu cực mà thiếu bằng chứng thì có thể không xem xét. Nhưng nếu cả hàng trăm người khác nhau, cùng phản ánh một câu chuyện thì đó quả là vấn đề như người ta hay nói: "Không có lửa, làm sao có khói".

Mạnh Quân