Chuyện cố Thủ tướng Phan Văn Khải và cây thuốc kèm 2.000 đôla
(Dân trí) - Khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, những câu chuyện về ông qua lời kể của những người thân cận càng khiến người dân trân trọng hơn nhân cách của một vị lãnh đạo hành động, vì nước, vì dân.
Ông Trần Đức Nguyên, trợ lý đặc biệt của ông Phan Văn Khải hồi tưởng lại: Có lần được tặng một cây thuốc lá thơm để hút, ông Khải, lúc đó đang là Thủ tướng, đã tặng lại ông Nguyên. Khi mở món quà ấy ra, ông Nguyên phát hiện có 2.000 đôla (một số tiền rất lớn vào thời đó) được gói kỹ bên trong.
Ông Nguyên liền gửi lại ông Kiều Đình Thụ, khi ấy là thư ký riêng của ông Khải toàn bộ gói quà trên. Và sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cảnh báo người tặng quà một cách công khai.
Làm lãnh đạo, dù ở cấp nào, việc nhận được quà từ các cá nhân, tổ chức là khó tránh, vấn đề là cách ứng xử với quà tặng.
Chẳng thế đến năm 2007, còn có hẳn một quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Cây thuốc lá thơm là một món quà nhỏ. Còn 2.000 USD lại là món quà lớn. Ông Khải đã nhận món quà nhỏ, nhưng với món quà to được giấu kỹ như thế, ông chối từ, thậm chí còn “cảnh báo”.
Ông Nguyên kể thêm: Trước đó, một doanh nghiệp vào dịp Tết có gửi phong bì mừng năm mới đến Thủ tướng, ông Khải đã yêu cầu phải xem xét rõ nhân vật này để nghiêm trị.
Từ những mẩu chuyện nhỏ đó, ông Trần Đình Nguyên quả quyết: “Ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và anh Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), chuyện chạy chức với các anh là không có”.
Về vấn đề phong bì, phong bao, quà tặng, BLOG Dân Trí cũng đã rất nhiều lần đề cập. Bởi, dù “văn hoá cảm ơn” là đáng trân trọng, nhưng không ai đảm bảo rằng, đằng sau những món quà vật chất ấy liệu có động cơ không trong sáng hay không.
Tờ Công an Nhân dân ngày 30/11/2015 trong bài viết “Dấu ấn của những “Tư lệnh” ngành” có thuật lại: Phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án xin cho quota bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại khiến một thứ trưởng của bộ này bị khởi tố, điều tra.
Người đứng đầu bộ khi ấy - ông Trương Đình Tuyển nói rằng: Doanh nghiệp khi ra bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn ra Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải ra Bộ nữa bởi cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao.
“Tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng”. Và ông Tuyển cũng đã có cách giải quyết để hạn chế nạn phong bao, phong bì.
Thế nhưng, phong bì, phong bao dường như đã phổ biến đến mức trở thành “quốc nạn”. “Nói không với nạn phong bì” trở thành một chiến dịch dài hơi mà dường như cứ ở đâu có chức quyền thì ở đó đều dễ nảy sinh tiêu cực. Nào là sắp xếp nhân sự, nào là phê duyệt dự án, nào là thanh tra, kiểm tra… đến nộp thuế cũng cần đút lót.
“Có người nhập khẩu một lô hàng, thuế môi trường mất có vài trăm ngàn đồng nhưng phải mất gấp đôi số ấy mới nộp được thuế. Thuế ít quá nên cơ quan thuế không muốn thu vì mất thời giờ, doanh nghiệp phải đút mất mấy phong bì mới nộp được thuế. Như thế thì làm sao mà cải thiện được môi trường kinh doanh?” – ông Tuyển ngao ngán nói trong một cuộc họp năm 2013.
Vấn đề là quy định luật pháp đều có cả, nhưng phong bì, phong bao, tham nhũng vặt, tham nhũng lớn vẫn xảy ra, điều này còn phụ thuộc vào ý thức, đạo đức cá nhân của người cán bộ trong bộ máy công quyền.
Chỉ khi mỗi cán bộ ý thức được “chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp mà chỉ là phương tiện để làm nên sự nghiệp cho dân, cho nước” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, thì lò chống tham nhũng mới bớt được “củi” đưa vào.
Và cũng chỉ khi đó, dù người cán bộ giữ chức vụ nào đi chăng nữa, cũng sẽ được lòng dân nhớ đến, ghi công.
Bích Diệp