Chuyện chen lấn hay nỗi lo… “thua thiệt” của người Việt?
(Dân trí) - Ở đây không còn đơn giản chỉ là chuyện đi đường nữa mà là chuyện của nếp sống, của văn hóa, là biểu hiện của tâm thế con người. Dường như không chỉ sự nóng nảy, vội vàng hấp tấp, mà thái độ thích bon chen, tư tưởng chụp giật, tâm lý bất an, sợ thua thiệt… đã làm cho người Việt thích chen lấn?
Sau trận động đất mạnh gây cảnh báo sóng thần đã diễn ra ở Nhật cuối tháng 11 vừa rồi, một hình ảnh được phát đi từ hãng thông tấn AP đã gây ấn tượng cho những người theo dõi sự kiện. Đó là hình ảnh dòng xe đi tránh thảm họa sóng thần xếp hàng dài, trật tự chạy trên đường.
Cư dân mạng ngay lập tức lấy đăng lại kèm theo bức ảnh chụp cảnh hỗn loạn tại một nút giao thông của Việt Nam. Hai bức ảnh cho thấy sự trái ngược hoàn toàn. Người Việt nam, nhất là những người sống ở 2 thành phố lớn đang có vấn nạn ùn tắc giao thông là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, như trong nhiều chuyện khác, lại giật mình xấu hổ bởi “Trông người lại ngẫm đến ta – Kiều”.
Điều gì đã khiến những con người ngay cả trong khi chạy nạn vẫn bình tĩnh xếp hàng đợi đến lượt mình? Và điều gì đã khiến những con người ngay cả khi không có gì phải vội vã cũng vẫn tìm mọi cách lao lên chen lấn, tràn sang làn đường người khác, vượt cả vỉa hè, gây nên cảnh bấn loạn chỉ để được đi nhanh hơn người bên cạnh một chút?
Ý thức về sự chính xác, khoa học (trật tự và lần lượt sẽ đi nhanh hơn là chen lấn), niềm tin vào sự công bằng (người vi phạm sẽ bị xử phạt không bỏ sót) và thái độ chia sẻ, “đồng cam cộng khổ”, sẵn sàng nhường nhịn với người xung quanh… hình như là lý do đã khiến dòng người chạy tránh thảm họa xếp hàng trên đường?
Và sự thiếu ý thức trách nhiệm (tôn trọng luật lệ, đảm bảo toàn cho mình và người xung quanh…), thái độ bàng quan kiểu “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, thói ích kỷ chỉ muốn hơn người, muốn được việc cho riêng mình hay đơn giản chỉ là thái độ “người khác vượt dại gì mình không vượt”… phải chăng là lý do để dòng người đôi khi chỉ là để về nhà nghỉ ngơi thôi cũng chen lấn nhau đến hỗn lọan trên đường?
Không ai là không biết rằng càng chen lấn càng ách tắc, chỉ có trật tự mới có thể di chuyển được, rằng trong những chuyện như thế này, thủ phạm cũng chính là nạn nhân. Nhưng sao vẫn không thể trật tự, vẫn cứ chen lấn, tự làm khó mình và làm khó người xung quanh, như một thứ bệnh không chữa được.
Có vẻ như ở đây không còn đơn giản chỉ là chuyện đi đường nữa mà là chuyện của nếp sống, của văn hóa, là biểu hiện của tâm thế con người. Dường như không chỉ sự nóng nảy, vội vàng hấp tấp, mà thái độ thích bon chen, tư tưởng chụp giật, tâm lý bất an và cả bất minh, sợ thua thiệt… đã làm cho người Việt sẵn sàng chen lấn?
Tất nhiên chuyện thông suốt hay tắc nghẽn ở đây còn là chuyện của việc phát triển đô thị một cách thiêú khoa học, chuyện hạ tầng giao thông bất cập hay chất lượng dịch vụ vận tải công cộng yếu kém, tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao v.v. Nhưng không thể chối cãi rằng ý thức của người tham gia giao thông là một nguyên nhân quan trọng.
Trật tự, xếp hàng đã từng là một thói quen của người Việt thời kỳ bao cấp. Tuy nhiên có lẽ do chán ghét thời kỳ nhiều khó khăn đó, người Việt quay sang coi việc xếp hàng như một biểu hiện của tư duy trì trệ, thiếu năng động, là tàn dư của một thời lạc hậu, nên quay ra coi thường, thậm chí chế diễu. Đó thực sự là một nhận thức sai lầm.
Vâng, nhanh nhưng không thể bất chấp. Năng động nhưng không thể tùy tiện. Và đặc biệt, tính toán lợi ích nhưng không được xâm phạm đến lợi ích chung và lợi ích của người khác. Chỉ là chuyện đi đường, chuyện xếp hàng thôi, nhưng nó cho thấy rất rõ tâm tính của không ít người Việt chúng ta.
Biết làm gì để có thể hy vọng về một sự đồi thay, không chỉ là trong thói quen mà trong tận ý thức của nhiều người?
Cát Thụy