Chuyện “cải lão hoàn đồng” thời “hoàng hôn tuổi tác”!

(Dân trí) - Có lẽ điều sai lầm lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2016 là không cử vận động viên tham dự môn điền kinh “chạy tuổi”. Nếu đăng ký dự thi môn này, chắc chắn chúng ta không chỉ có thành tích hai huy chương, một vàng, một bạc như vừa qua.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Lý do mà chúng ta đoạt giải là bởi không một quốc gia nào có môn “điền kinh độc đáo” này mà một khi độc quyền, một mình một đường pitch thì việc chia nhau trọn cả bộ 3 tấm huy chương vàng, bạc, đồng là điều chắc chắn.

Cũng chẳng hiểu từ bao giờ và vì sao cứ vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử..., “phong trào cải lão hoàn đồng”, “chạy tuổi” lại phát triển mạnh mẽ.

Không ít các bác bình thường hom hem, già yếu, bỗng phút chốc hồi xuân, đi đứng nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, tóc tai xanh mướt…

Thế rồi trong lý lịch lòi ra một văn bản nào đó bỗng dưng “cải lão hoàn đồng”, khiến các bác này trẻ ra, ít nhất là bằng với độ tuổi còn trong qui hoạch

Việc này khiến cơ quan có một sự xáo trộn đến ngỡ ngàng. Những người trước đây bằng hoặc kém vài ba tuổi vẫn anh anh, em em ngọt xớt giờ lại chuyển ngôi vị “anh - tôi” vì thủ trưởng xem ra còn kém tuổi mình.

Mấy cô gái trẻ suốt ngày chú - cháu giờ chuyển sang “địa vị” anh - em đầy ngượng nghịu vì lạ lẫm.

Khổ nhất là bà vợ xêm xêm tuổi bỗng dưng hóa “bà già” với “phi công trẻ”.

Bi kịch là đám đàn em ngáp nghé đợi lúc ông anh “hạ cánh”, hi vọng đến lượt mình bỗng dưng chưng hửng. Nhất là với lớp tuổi tà tà bởi với cái tuổi vừa được “trẻ hóa” này thì “Thôi rồi, Lượm ơi!”, ông anh còn tại vị lâu lắm, làm gì đến lượt.

Trong gia đình, cô em út bỗng lên ngôi, hơn tuổi ông anh cả. Cái câu ca dao đầy tính tiên đoán từ xa xưa “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông” đã “biến thái” thành “Sinh em rồi mới sinh anh – Mấy cô gái trẻ bỗng thành… cụ non”.

Có một "mối nguy" nữa là sau này khi về cùng ông bà tiên tổ, chả biết căn cứ vào đâu để ghi cáo phó, phần "Hưởng thọ...." bao nhiêu tuổi bởi viết đúng tuổi thật thì lâu nay dối trá với người dương mà viết tuổi "cải lão" thì dối trá với người âm. "Âm dương đồng nhất luật", thời buổi telephon, internet này nháy chuột, bấm máy một cái xuống Diêm Vương là sáng tỏ ngọn ngành, thiên hạ biết hết...

Song, việc “du di tuổi tác” không còn là chuyện hài hước mà nghiêm trọng hơn, nó làm giảm uy tín của Đảng như trả lời phỏng vấn VOV của PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

“Việc này tạo dư luận không tốt trong xã hội, tạo nên sự dị nghị, không tán đồng trong cơ quan. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm xói mòn kỷ cương, kỷ luật của Đảng... Điều lâu nay chúng ta yếu kém là hay du di, vì nể tình, vì thân quen, vì lợi ích này, lợi ích kia. Chuyện du di đó tưởng chừng đơn giản nhưng chính nó làm mất uy lực của các văn bản, quyết định của Đảng và Nhà nước”.

Thế nhưng từ nay, chuyện “bi hài” này sẽ chấm dứt.

Lý do là ngày 17/8, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên. Theo đó, từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Công bằng mà nói, chuyện xác định tuổi phải theo Giấy khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân vì lý lịch chưa đủ làm cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam thì qui định này là hợp tình, hợp lý bởi thứ nhất, Lý lịch Đảng viên là lời khai trung thực của mỗi cá nhân trước khi gia nhập tổ chức này với lời cam kết “nếu man khai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Thứ hai, đây là bản lý lịch đã được các cấp ủy thẩm tra kỹ lưỡng trước khi kết nạp.

Với qui định này, chắc chắn từ nay sẽ chấm dứt phong trào “cải lão hoàn đồng”. Những ai có ý định “tân trang nhan sắc” trước “hoàng hôn tuổi tác” nhằm "trẻ hóa đội hình" sẽ tiêu tan hi vọng.

Song, vẫn còn đó câu hỏi, họ - những người “cải lão” ấy “chạy tuổi” để làm gì nhỉ? Mà cũng chả thấy ông công nhân, bà nhân viên nào “chạy” để trẻ lại cả (chạy già đi thì có thể có nhiều). Hay là làm lãnh đạo, các bác ấy có tinh thần hi sinh cống hiến cao hơn? Chịu.

Chỉ biết rằng từ nay, việc “chạy tuổi” sẽ không tồn tại nên niềm hi vọng đoạt huy chương Olympic cho môn thi này cũng… tắt ngóm!?

Bùi Hoàng Tám