Chuyện các bác hưu trí "muốn xử ra sao thì xử"
(Dân trí) - Câu nói gây "sóng" dư luận của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng: "Tôi về hưu rồi, muốn xử ra sao thì xử" trước các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây cho thấy một sự trơ lỳ đến khó tin của một người đã từng là quan chức đầu tỉnh.
Như Dân trí đã đưa tin, theo thông báo mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có những sai phạm "nghiêm trọng", đến mức "phải kỷ luật". Đó là những sai phạm của ông này khi còn đương chức như: Chỉ đạo làm đường nhập khẩu gỗ từ Lào trái quy định; vi phạm trong chỉ đạo quản lý đất đai; chỉ đạo bổ nhiệm người thân không đủ điều kiện...
Mắc những sai phạm như trên, với một quan chức đầu tỉnh bây giờ cũng không phải chuyện hiếm. Nhưng điều bất ngờ, như tờ Tuổi trẻ đưa tin ngày 20/9, khi được hỏi: Ông có ý kiến gì về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật, ông Dũng điềm nhiên nói rằng: "Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi, họ xử thế nào thì xử".
Tất nhiên, phát biểu trên đã gây bức xúc lớn với người dân, khi người ta thấy một sự trơ lỳ đến khó tin của một người đã từng nắm giữ chức vụ cao nhất của một địa phương. Đó là sự coi thường các hình thức kiểm tra, kỷ luật của cơ quan Đảng khi người này như đã tự cho rằng, về hưu rồi, chẳng còn gì để phải giữ thể diện.
Nhưng cũng có một thực tế là không chỉ ông Phạm Thế Dũng mà một số cựu cán bộ, quan chức khác trong thời gian gần đây cũng bị kiểm điểm, kỷ luật nhưng các hình thức kỳ luật với họ dường như không đủ để răn đe.
Ví dụ như với cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, hình thức kỷ luật với hàng loạt sai phạm khá nghiêm trọng (khi còn đương chức) áp dụng khi ông Hoàng đã nghỉ hưu như cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng với ông thời kỳ 2011-2016; về mặt chính quyền thì áp dụng hình thức: xóa tư cách Bộ trưởng với ông Hoàng cũng trong thời kỳ trên.
Nghe qua thì có vẻ nặng và người bị kỷ luật hẳn phải rất đau, rất xấu hổ, nhưng đa phần độc giả Dân trí khi bình luận về bài viết về các mức "án" này với ông Hoàng đều cho rằng chưa thỏa đáng.
Vì dù gì ông Hoàng cũng đã về hưu rồi, ông này thậm chí còn làm 2 nhiệm kỳ, vậy thì cách chức nhiệm kỳ sau thì ông Hoàng vẫn còn tư cách nguyên Bộ trưởng của nhiệm kỳ trước. Ông vẫn ung dung nhận lương hưu và thoải mái chi tiêu với các khoản thu nhập khác.
Hay như với cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, khi đã nghỉ hưu cũng bị cảnh cáo về mặt Đảng do đã từng vi phạm về việc sử dụng nhà ở công vụ; sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Và ông này, khi trả lời báo chí, giải thích về chuyện có những khối tài sản lớn hiện có đã thản nhiên biện bạch: "Do tôi làm lụng đến thối cả móng tay".
Chỉ cần nhìn vào ví dụ về việc xử lý các cựu Bộ trưởng đó thôi, hẳn nhiên ông Phạm Thế Dũng chẳng lo sợ gì. Nếu theo cách thức đó, có lẽ cùng lắm ông Dũng cũng chỉ bị xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai mà thôi.
Thế nên, ông Dũng nói rằng: "Tôi về hưu rồi, muốn xử thế nào thì xử", nghe tuy trơ thật đấy, nhưng là câu nói rất thật của ông này.
Ở đây toát lên vấn đề là: Nhà nước cần phải có cơ chế phát hiện, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi làm sai, làm trái của cán bộ, công chức nhà nước khi họ vẫn còn đang đương chức chứ không phải để đến khi họ về hưu mới xử. Vì lúc đó, khác gì họ đã "hạ cánh an toàn" ?.
Ngay cả khi những vị quan chức nào đã từng có hành vi vi phạm đã nghỉ hưu, thiết nghĩ, vẫn có những hình thức xử lý mạnh hơn nữa, nếu những hành vi của họ trong quá khứ là nghiêm trọng hoặc vẫn có hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước, cho người dân đến nay. Nếu là vi phạm pháp luật đến mức phải khởi tố thì vẫn phải khởi tố.
Còn chưa đến mức xử lý hình sự, thì nếu phải kỷ luật đến mức cho ra khỏi Đảng, xóa toàn bộ các chức vụ cũ, không trả lương hưu, thậm chí bắt bồi hoàn về kinh tế nếu gây hậu quả kinh tế thì cũng nên làm để những người đang giữ chức cũng phải biết sợ, khi về hưu cũng phải biết sợ. Không thể để họ cười nhạo, bỡn cợt với việc kỷ luật mình khi nghỉ hưu như ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai.
Mạnh Quân