"Chúa Chổm" thời nay
(Dân trí) - Ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết giai thoại về một vị Vua nhà Hậu Lê mà dân gian hay gọi là "Chúa Chổm”. Ngày nay, câu thành ngữ "nợ như Chúa Chổm" ngày càng được áp dụng phổ biến hơn và buồn thay, nó lại ứng cả với chuyện nợ ở một số cơ quan Nhà nước.
Trong tuần trước, một số báo như Vnexpess, Tuổi trẻ... đã đồng loạt đưa tin Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương từ đầu năm đến nay mắc nợ đến 310 triệu đồng ở các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh. Số nợ đến nay vẫn chưa có nguồn trả nên cơ quan này phải đề xuất lên thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh để xin tiền trả nợ.
Thật đáng thương cho một cơ quan quyền lực của Tỉnh ủy Hải Dương. Chỉ vì một khoản tiền trên 300 triệu đồng mà cắm hàng, cắm quán, nợ khách sạn... đến mức không trả nổi như vậy. Và lý do "vỡ quỹ", thiếu tiền chi trả cũng không thể khôi hài hơn: Quá nhiều đoàn khách về tham quan, làm việc...
Nếu nhìn từ cấp độ của một gia đình thì những câu chuyện như thế này, xử lý thật dễ. Thấy nhà mình tháng này tiêu chẳng đủ bù chi thì tháng sau, đơn giản cắt bớt các khoản chi đi. Khách đến nhiều thì nếu mời rượu, thay vì đãi bằng Hennesy, Chivax... thì mời bằng “quốc lủi”. Không mời khách ăn được bằng thịt thỏ, ba ba... thì mời bằng thịt gà nhà nuôi.
Thì cũng như cơ quan Nhà nước: Khách đến tham quan tỉnh nhiều không từ chối được mà chi phí thuê khách sạn đắt đỏ thì mời về nhà khách Tỉnh uỷ (miễn phí), không ăn được ở nhà hàng sang trọng thì kêu nhà bếp cơ quan tiếp đón... Thế thôi nhưng để đến mức "nợ như Chúa Chổm" như Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương, phải kêu xin tiền của tỉnh, thật là làm mất mặt tỉnh nhà quá. Mà Hải Dương đâu phải là tỉnh quá nghèo?
Nhưng khổ nỗi, không chỉ có Hải Dương, mấy năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hơn những địa phương có cơ quan nợ nần chồng chất. Thậm chí có những cơ quan nhà nước còn "to" hơn cả Uỷ ban Kiểm tra của tỉnh này cũng lâm vào tình trạng có thể không hoạt động được vì thiếu tiền, vì nợ.
Ví dụ như huyện Phong Điền- huyện Nông thôn mới của thành phố Cần Thơ, như báo Người Lao động đăng tin tuần trước (ngày 8/9) còn nợ tới 500 triệu đồng tiền khen thưởng, xét tặng danh hiệu cho 219 tập thể và 605 cá nhân. Mà những khoản thưởng nghe vô cùng lạ tai: Thưởng thi trang trí bàn thờ Tổ quốc, Thưởng hội trại tòng quân...
Ấy là còn chưa kể các giấy khen, bằng khen cấp thành phố và các phong trào theo kế hoạch đã đăng ký đến cuối năm 2016 thì số tiền thưởng dự kiến còn phải chi đến 1,35 tỷ đồng. Mới nợ nửa tỉ đồng đã không có mà chi thì liệu huyện "Nông thôn mới" làm sao đủ tiền chi cho số cá nhân, tập thể sẽ được khen thưởng lên tới hàng ngàn?
Cứ kiểu chi tiêu như thế, rồi còn bao nhiêu khoản nợ nần ở các lĩnh vực khác, với bao nhiêu huyện, xã cũng có cung cách dùng tiền ngân sách như vậy thì số nợ chắc rằng chẳng nhỏ tí nào. Hàng ngàn tỉ đồng là chắc, có khi còn hơn. Bộ Tài chính chắc có con số cả.
Ngay ở Hà Nội, như Báo Nông Nghiệp Việt Nam cũng mới đưa tin, ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Uỷ ban nhân dân xã, các phòng ban, đoàn thể chi tiêu hoang đến nỗi ngân sách xã nợ tới 3,5 tỷ đồng. Trong đó có cả những khoản nợ: Ăn nhậu, hát hò...Có cả những khoản nợ tiền đi "tham quan thực tế" ở Sầm Sơn, Cửa Lò tốn kém hàng trăm triệu đồng đến nay chưa có tiền trả. Vì chuyện này mà ông Chủ tịch xã cũ bị mất chức, xuống làm Trưởng công an xã. Còn Chủ tịch mới lên, vẫn loay hoay đến giờ mới trả nợ được trên 100 triệu đồng.
Còn nhớ, cuối năm ngoái, chỉ đến thời điểm 11/2015, ngân sách của Thành ủy Bạc Liêu cũng hết nhẵn tiền, nợ hàng tỷ đồng. Chỉ tính đến tháng 9 năm đó, Thành uỷ Bạc Liêu đã rơi vào tình trạng "không còn tiền mặt" và thực sự đã là một "Chúa Chổm" với 19 khoản nợ trị giá trên 2,8 tỷ đồng. Và đến tháng 11 thì còn không có cả tiền để trả tiền điện nước và lương cho cán bộ, nhân viên...
Đây là một câu chuyện đáng báo động bởi mấy năm nay, do nhu cầu tăng chi lớn nhưng thu ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn (có cắt giảm thuế), dù thu vẫn tăng nhưng chẳng đủ bù chi nên không đủ đáp ứng nhu cầu chi của nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước. Cho nên, mới dẫn đến tình trạng chưa hết năm đã hết tiền tiêu, sinh ra nợ nần.
Và cũng từ đây, ở nhiều địa phương lại tái diễn tình trạng lạm thu, nhiều khoản thu phí vô lý lên người dân, để có nguồn chi ở địa phương.
Nhưng nhìn ở phạm vi lớn hơn thì lại càng đau lòng. 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Ngân sách Nhà nước đã phải chi tới 68.000 tỷ đồng nợ quốc gia trong khi cân đối ngân sách quá khó khăn do bội chi đã lên tới 83.000 tỷ đồng.
Nhưng cũng có người cãi: Muốn phát triển thì phải vay để đầu tư phát triển, để sản xuất, kinh doanh... thì nợ vẫn phải nợ, vay vẫn phải vay. Vâng đúng thế. Nhưng mà nợ để tiếp khách, nợ để đi ăn nhà hàng... như ở Hải Dương hay vay, nợ ở tầm quốc gia nhưng lại là vay để chi tiêu cho hội họp, lễ tiết, xe cộ... làm tỷ lệ tăng chi thường xuyên đến mức 50-65% tổng chi như 6 tháng đầu năm nay thì không những không đầu tư, không phát triển được mà chỉ tổ để các khoản nợ ngày càng chất chồng.
Vay, nợ kiểu ấy khác nào "Chúa Chổm" thời đại mới, khiến nền tài chính quốc gia không còn được đảm bảo an toàn, thiếu bền vững?
Mạnh Quân