Chủ quan, lơ là, nóng vội là nguyên nhân dẫn đến thất bại

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Câu hỏi bao giờ xã hội trở lại bình thường là mong đợi chính đáng bởi đã gần 2 năm qua, dịch bệnh khiến mọi hoạt động xã hội bị đảo lộn, cuộc sống người dân hết sức khó khăn…

Chủ quan, lơ là, nóng vội là nguyên nhân dẫn đến thất bại - 1

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia sáng 11/9 (Ảnh: TTXVN).

Có thể nói đại dịch covid - 19 diễn ra ở tất cả các quốc gia với sự tàn phá khủng khiếp cả người và tài sản. Đã có hàng triệu người chết và hàng ngàn tỉ USD thiệt hại nhưng "quân địch" vẫn không ngừng biến chủng, cuộc chiến không biết đến khi nào mới kết thúc.

Tại Việt Nam, dịch virus SARS-CoV-2 đã có mặt gần 2 năm qua, đặc biệt ở lần bùng phát thứ tư đã diễn ra rất khốc liệt, người chết, mọi hoạt động bị đảo lộn, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ đẩy nền kinh tế vào chỗ khó khăn...  

Song, một thông tin đáng hi vọng, tình hình dịch bệnh ở một số địa phương đã có xu hướng "đi ngang" hoặc giảm. Vì thế, đã xuất hiện tư tưởng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và đây là mong muốn chính đáng.

Tuy nhiên, từ thực tế những gì diễn ra trong hai năm qua cho thấy, cần hết sức thận trọng bởi nói như dân gian "tham bát, bỏ mâm". Ở ba lần bùng phát trước, chúng ta chống dịch thành công ngay từ những ngày đầu nên xã hội ổn định, sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều, các nhà đầu tư tin tưởng và có thể nói, đây chính là một trong những động lực chính cho phát triển kinh tế ngoạn mục năm 2020. Nếu để dịch bùng phát, xã hội đảo lộn, kinh tế trì trệ, đặc biệt là tính mạng con người bị đe dọa.

Chính vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương ngày 11.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính một mặt nhấn mạnh nhiệm vụ phòng dịch bởi như lời của Thủ tướng: "Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn… Song, tránh khuynh hướng lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và biểu hiện chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau thời gian dài giãn cách.

Tóm lại, mong muốn đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới" là khát vọng chính đáng nhưng cần hết sức thận trọng, cân nhắc bởi như trong mọi cuộc chiến, trong cuộc chiến chống đại dịch covid 19 này, nếu chủ quan, lơ là, nóng vội sẽ thất bại.