Chống tham nhũng = lò cháy, khóa chặt và lương tương xứng
(Dân trí) - Chỉ khi nào lò cháy, khóa chặt và lương tương xứng thì khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng mới thực sự hiệu quả và có tính bền vững, phải không các bạn?
Những ngày qua, Hội nghị Trung ương 7 nóng bỏng xung quanh hai vấn đề, đó là công tác cán bộ và nâng lương công chức. Thực chất, nhìn ở khía cạnh nào đó thi đây là hai nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ cho mục tiêu phòng chống tham nhũng.
Có lẽ trước hết, cũng cần lưu ý rằng tham nhũng là bản chất của quyền lực. Không có một thể chế nào không có tham nhũng. Không có một quốc gia nào không có tham nhũng và cũng không có thời điểm nào không có tham nhũng.
Nói cách khác, lòng tham có mặt mọi lúc, mọi nơi, mọi thể chế chính trị. Vấn đề nằm ở chỗ, làm thế nào để ngăn chặn tới mức thấp nhất mà thôi.
Việc này, nhiều quốc gia đã thực hiện thành công và họ đã rút ra ba nguyên tắc có tính then chốt. Đó là làm thế nào để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần (muốn) tham nhũng.
Về không thể tham nhũng, bằng nhiều biện pháp, họ đã quản lý chặt chẽ tài sản như một cái nhà có rất nhiều cửa, nhiều khóa mà dù có muốn, kẻ gian cũng khó có thể lọt vào.
Điều này rất quan trọng bởi ít nhất, nó không kích thích lòng tham vốn “tiềm ẩn” trong mỗi cá nhân.
Về không dám tham nhũng, họ có những biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc cho tội danh này và điều đó, đã có tính răn đe rất cao.
Về không cần (muốn), họ có chính sách lương bổng đủ để công chức đảm bảo đời sống ổn định mà không cần phải tham nhũng.
Trong khi ở Việt Nam thời gian qua, phải nói thẳng là dù có quyết tâm rất cao nhưng cả ba khâu nói trên chưa được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.
Về quản lý tài sản, chúng ta không chỉ lỏng lẻo mà rất lỏng lẻo. Những vụ án đã xét xử cho thấy họ có thể khai khống lên hành chục lần giá trị thật để chia chác.
Về trừng phạt, chúng ta vẫn nặng về phê bình, cảnh cáo… hoặc những mức án rất thấp. Đã từng có thời điểm, án tham nhũng chủ yếu là xử “treo”.
Về yếu tố không muốn, chúng ta đang duy trì một chế độ lương không còn phù hợp. Ví dụ một Bộ trưởng mức lương khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong khi công một người thợ xây hiện nay cũng khoảng 400 ngàn đồng/ngày, tức là tương đương lương Bộ trưởng.
Tuy nhiên trên thực tế, theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định trên Dân trí, thời nay không có Bộ trưởng nào nghèo. “Thử nhìn xem, Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả”. Ông Thưởng nói.
Cán bộ lương thấp nhưng “chẳng ai nghèo cả”, vậy tiền ở đâu ra? Câu hỏi không khó nhưng cũng… không dễ trả lời.
Nhìn lại thời gian gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả.
Về biện pháp trừng phạt, chiếc “lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục rừng rực cháy, không còn tình trạng “quét ngược cầu thang” hay “tắm từ vai”. Nhiều cán bộ cao cấp, thậm chí cấp rất cao đã phải chịu hình phạt của luật pháp.
Thế nhưng, về quản lý tài sản để không thể tham nhũng vẫn còn là lỗ hổng lớn, “con voi” vẫn có thể “chui lọt lỗ kim”.
Đối với yếu tố không muốn, việc Trung ương 7 bàn về nâng lương có thể là tín hiệu khởi đầu cho lĩnh vực này. Thành thật người viết bài này không tin với mức lương hiện nay có thể ngăn ngừa được tham nhũng.
Tóm lại, chỉ khi nào lò cháy, khóa chặt và lương tương xứng thì khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng mới thực sự hiệu quả và có tính bền vững.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu để nâng lương và lương cao thì hiệu quả công việc như thế nào? Việc tinh giản bộ máy ra sao?... xin bàn vào dịp khác.
Bùi Hoàng Tám