Chiếc chìa khóa Vàng của Tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Đã từng có nhiều nguyên thủ các quốc gia hàng đầu đến thăm Việt Nam, đem tới những cơ hội hợp tác phát triển mà người dân Việt Nam mong muốn. Nhưng, chỉ có ông, với 3 ngày viếng thăm, đã truyền được cảm hứng cho mọi người dân Việt từ chính khách đến người bán dạo vỉa hè.

Chiếc chìa khóa Vàng của Tổng thống Mỹ - 1

Ông chạm tới được trái tim người Việt, không phải vì ông là một Tổng thống quyền lực, người đứng đầu một đât nước đầy sức mạnh, đất nước là giấc mơ trong mắt của người dân nhiều nước trên thế giới. Ông cũng không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Việt Nam vì trước ông, cũng đã từng có 2 Tổng thống Mỹ tới thăm nước Việt.

Cũng không phải thái độ gần gũi, bình dân khi đi ăn quán ăn đường phố, bắt tay những người lao động bình thường bên vỉa hè, hay bằng những chia sẻ giản dị kiểu “tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời… tôi chưa thử qua đường, sau này nếu trở lại tôi sẽ nhờ các bạn chỉ cho cách qua đường”… giúp ông chạm tới được trái tim người Việt, cho dù điều này đã làm ông trở nên gần gũi, thân thiết hơn trong mắt người dân hồn hậu của xứ nhiệt đới này.

Ông chạm vào đươc trái tim người Việt bởi ông đã thể hiện một thái độ tôn trọng và thấu hiểu đối với lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt; ông hiểu lòng tự tôn dân tộc và tâm hồn thấm đẫm văn hóa của người Việt. Người Việt Nam nghe như một lẽ tất nhiên khi ông nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắc đến Tuyên ngôn độc lập và chỉ mới mỉm cười thích thú khi thấy ông biết đến món bún chả, bia chai, đến món cốm vỉa hè Hà Nội.

Nhưng họ đã phải sững sờ cảm động khi nghe ông nhắc tới danh tướng Lý Thường Kiệt, chí sĩ Phan Chu Trinh và nhà thơ Nguyễn Du, đến nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh công Sơn, đến thiền sư Thich Nhất Hạnh, nhà toán học Ngô Bảo Châu, ca sĩ Trần Lập… Không chỉ nhắc tới, ông còn dùng lời trong các tác phẩm của họ để diễn đạt một cách chuẩn xác và ý nhị thay cho lời nói của mình, giống như một người Việt chính hiệu.

Và rồi ông nói “Đã hàng nghìn năm Người Việt trồng cấy trên mảnh đất này“, “Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp”. Ông còn nói “không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc”, rằng “chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta”

Ông đã không quên lòng tự tôn dân tộc và biết tới những nỗi đau đáu trong lòng người Việt. Ông đã thể hiện một thái độ thấu hiểu, chia sẻ và trân trọng đối với lịch sử dân tộc Việt, đối với tâm tư của người dân Việt Nam những ngày tháng này.

Không chỉ vì những vận hội, càng không chỉ vì những lời hứa, người dân Việt đã và trước hết vì cảm nhận được sự chân thành, thấu hiểu và đầy trân trọng, sẻ chia nơi vị tổng thống của nước Mỹ mà trào dâng niềm vui và lòng ngưỡng mộ.

Người quan tâm đến chính trị được nghe ông nhắc tới Lý Thường Kiệt, Hồ Chủ Tịch, đến Tuyên ngôn độc lập và nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Người quan tâm đến nhân văn, tâm linh, nghệ thuật được nghe ông nhắc về Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thích Nhất Hạnh. Người già được nghe ông lẩy Kiều còn người trẻ nghe ông nhắc đến Trần Lập. Chỉ vài dẫn dụ thôi, ông đã đến được thật gần với mọi tầng lớp, thế hệ người Việt Nam.

Ngẫm ra, đối với một dân tộc cũng như đối với một con người, điều đầu tiên cần phải có để giành được tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp, là thái độ tôn trọng và sẻ chia chân tình. Điều thiêng liêng, tôn quý trong lòng mọi người Việt Nam chúng ta không gì khác hơn là tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Và đó luôn là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa Việt Nam.

Tổng thống B. Obama và các cộng sự của ông đã hiểu điều đó.

Cát Thụy