Chỉ là cái “cúi đầu” trước “thượng đế”, có gì đâu mà lạ!?

(Dân trí) - Chỉ mấy ngày đầu tháng 10, khi những tranh cãi quanh câu chuyện taxi truyền thống và Grab, Uber chưa kịp lắng xuống thì sự xuất hiện của trạm xăng dầu 100% vốn ngoại đầu tiên trên địa bàn Hà Nội đã thu hút đông đảo mối quan tâm của dư luận.

Chỉ là cái “cúi đầu” trước “thượng đế”, có gì đâu mà lạ!? - 1

Người ta lan truyền bức ảnh vị giám đốc người Nhật cúi đầu chào khách trước trạm xăng của doanh nghiệp mình, nhất lại là trong một ngày mưa gió. Hành động cúi đầu của người Nhật lâu nay chẳng có gì là lạ. Nó là một thứ lễ nghi đặc trưng, mang tính đại diện cho cả dân tộc.

Thế nhưng ở ta, những cái cúi đầu như thế lại gây hiếu kỳ, thậm chí là kinh ngạc. Giám đốc – chức vụ to lắm, oai lắm chứ, đâu phải lễ tân hay nhân viên tiếp thị đâu mà lại làm cái công việc kỳ lạ, thừa thãi thế! Cứ tưởng sếp thì chỉ cần ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón đã có nhân viên lo hết cả rồi.

Tôi lại nhớ cách đây mấy năm có tiếp xúc với một doanh nghiệp Nhật. Sau buổi làm việc, khách mời, đối tác ra về, ai nấy đều sững người, đầy ngại ngùng khi thấy vị giám đốc người Nhật đã đứng cúi chào ở cửa tự lúc nào.

Tôi không phải là người sính ngoại, cũng chẳng đến mức thần thánh hóa bất cứ một nền văn hóa nào. Chỉ có điều, hình ảnh khiêm nhường đó đã lưu lại trong tôi dấu ấn sâu đậm và một mối thiện cảm lớn đến nỗi, khi đứng trước hàng tá lựa chọn về sản phẩm từ Âu sang Á, tôi vẫn có phần “thiên vị” công ty kia. Tất cả khởi nguồn từ cái cúi đầu chào ấy.

Nói thế không có nghĩa là tôi xui các doanh nghiệp Việt muốn bán được hàng, giành được khách thì cứ việc đẩy mấy ông tổng giám đốc, cửa hàng trưởng ra đường cúi chào. Học hỏi rập khuôn, cứng nhắc, có khi lợi ích đâu chẳng thấy lại tự biến mình thành trò cười cho thiên hạ.

Ai chẳng biết cần phải coi “khách hàng là thượng đế”. Thứ lý thuyết kinh doanh cơ bản đến cũ rích ấy, nhưng xem ra khi đem áp dụng vào thực tế lại không hề đơn giản, dễ dàng. Chỗ này nhân viên giao dịch mải buôn chuyện để khách chờ, chỗ kia lễ tân, bảo vệ gây khó dễ, rồi chỗ nọ “bún mắng, cháo chửi” xơi xơi, chỗ kia chủ - khách cãi lộn, đánh nhau vì gian lận… Trong khi yêu cầu khách đưa ra có nhiều nhặn gì cho cam? Chỉ cần thái độ lịch sự, đúng mực; giá cả công khai, chất lượng tương xứng.

Nhiều năm làm phóng viên theo dõi về kinh tế, tôi cứ mãi băn khoăn về những khái niệm: “thị trường”, “cạnh tranh”. Có vẻ như những từ này rất “thời thượng” và được nhắc đi, nhắc lại mãi bởi các chuyên gia, nhà báo. Đại ý, trong thế giới phẳng ngày nay, muốn tồn tại được thì phải có kinh tế thị trường và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Nói thì hay ho thế, nhưng quay đi quẩn lại vẫn là những câu chuyện về chậm cổ phần hóa, rồi cần có kiểm soát của Nhà nước, lo mất độc quyền...

Nói đâu xa, ngay như trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nêu quan điểm trên báo chí đã cho rằng “không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu được”. Bởi theo ông này, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều người, vì vậy Nhà nước cần phải nắm giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật.

Rồi những đôi co ngày này qua tháng khác giữa hiệp hội taxi, giữa các doanh nghiệp taxi “truyền thống” với Grab, Uber.

Tôi không rõ là nếu thắng được trong các cuộc tranh cãi đó thì những doanh nghiệp Việt có tốt hơn lên, nộp thuế cho Nhà nước có tăng thêm hay không, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng: Nếu cứ mải tìm cách dìm đối thủ xuống ngang mình, dưới mình, thậm chí “dìm đến chết” mà không chịu thừa nhận thiếu sót để tiến bộ thì thị trường chỉ có “đi lùi” và người tiêu dùng luôn thiệt.

Có câu “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Chẳng ai bị hèn hạ hay yếu thế đi bởi cái “cúi đầu” tôn trọng đối thủ và khách hàng mà ngược lại, cái “cúi đầu” khiêm nhường với tinh thần học hỏi đó càng khiến người ta mạnh hơn.

Sẽ chỉ trở nên hèn đi khi lo sợ thua thiệt và không dám cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng mà thôi. Thay vì loay hoay với việc kéo đối thủ xuống thì doanh nghiệp Việt hãy tự nâng mình, trước khi bị chính người tiêu dùng Việt quay lưng vì sự bảo thủ, trì trệ và yếu kém của mình.

Bích Diệp