Chỉ có thi thố mới chọn được tài năng

(Dân trí) - Một tín hiệu tích cực được phát ra từ nhiều địa phương, ngành trên cả nước, đó là thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Nói cho dễ hiểu: Thi làm quan.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 Thành ủy thành phố Hải Phòng thông báo về việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Mới đây,  ngày 14.6 Bộ GTVT cũng lập đề án thi tuyển người đứng đầu cơ quan cấp Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tỉnh uỷ Quảng Ninh tiếp tục tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc của 6 sở. Một số địa phương khác cũng từng tổ chức các cuộc thi tương tự.

 

Từ trước đến nay, việc bổ nhiệm các chức danh thực hiện theo quy trình “trong phòng kín”, với những thì thầm nhỏ to. Chất lượng của cán bộ sắp được bổ nhiệm nhiều khi được đánh giá qua các tiêu chí quan hệ, con cha cháu ông, khó tránh khỏi thiếu khách quan và những tiêu cực. Việc làm trong phòng kín bao giờ cũng đi liền với thiếu minh bạch, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy ghế không phải từ các cuộc tuyển chọn thầm kín mà ra hay sao? Trên thực tế, có không ít trường hợp chọn lựa cán bộ theo các tiêu chí đó nên người tài bị loại trừ, kẻ bất tài trèo cao, luồn sâu. Gương mặt của xã hội hôm nay gánh chịu hậu quả từ cách làm đó.

 

Cho nên, tổ chức thi tuyển các chức danh công khai, minh bạch là một bước đột phá để nâng cao chất lượng cán bộ, loại trừ được nạn chạy chức chạy quyền hiện nay. Chỉ có công khai mới dân chủ, mới công bằng, mới văn minh. Nhân dân mong chờ không chỉ thi tuyển những chức danh như hiệu trưởng trường đại học, giám đốc sở, cục trưởng, mà phải công khai thi tuyển nhiều chức danh khác, bằng nhiều hình thức thi khác nhau. Chức vụ càng cao thì càng cần phải “thi” thật gắt gao mới tìm ra người có thực tài.
 

Nhưng có một điều, đã thi thố thì phải tạo điều kiện cho nhiều người tham gia, mở rộng tiêu chuẩn về ứng cử viên. Nếu chỉ đóng khung trong phạm vi quá hẹp thì chỉ mới là mở cửa một nửa, chẳng hạn có những chức danh không nhất thiết quy định phải là đảng viên mới được tham gia thi tuyển. Nếu hô hào thi tuyển chức danh lãnh đạo mà lui tới,tới lui cũng chỉ vài người đã chọn sẵn, sắp xếp trước, thì kết quả đó vẫn hạn chế, chưa thực sự tạo ra được sự bứt phá cần có trong công tác cán bộ.

 

Nghĩ  lại thấy cha ông mình thiệt hay, cứ thi đỗ các kỳ thi là được chọn ra làm quan, không cần biết con ai cháu ai, xuất thân là gì? Riêng về chuyện tuyển chọn và trọng dụng hiền tài, con cháu xem ra còn bảo thủ hơn cha ông nhiều.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!