Chỉ cần 30 giây, đừng mạo hiểm sinh mạng của bản thân và gia đình
(Dân trí) - Trước hết cần phải khẳng định thanh đường ray và những con tàu vô can trong những vụ tại nạn đường sắt. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm với những thương vong đối với loại hình tai nạn này?
Báo Dân trí đưa tin, ngày 7/3, một vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi. Vụ việc khiến cháu bé 1 tuổi tử vong, vợ chồng người tài xế ô tô bị thương nặng. Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn đau lòng này vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
So với tai nạn giao thông đường bộ, hậu quả của các vụ TNGT đường sắt thảm khốc và ám ảnh hơn nhiều do tính chất của loại hình phương tiện này. Ngoài thiệt hại về con người thì thiệt hại về phương tiện và kéo theo nhiều thiệt hại khác do việc chậm lịch trình gây nên.
Giao thông đường sắt là giao thông đặc thù với tuyến đường riêng và quy trình vận hành tàu riêng. Nói cách khác, thanh đường ray và những con tàu hoàn toàn "vô can" trong những vụ tai nạn của loại hình vận tải này. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt đều xuất phát từ yếu tố con người, bao hàm cả người vận hành tàu chạy và người tham gia giao thông đường bộ.
Một thực tế dễ nhận thấy là phần lớn các vụ TNGT đường sắt đều xảy ra tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; thậm chí xảy ra tại những điểm giao cắt đã được lắp rào chắn, đèn tín hiệu và biển cảnh báo.
Ngoài trách nhiệm của người gác chắn, không thể không nói đến trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Việc chủ động phòng tránh tai nạn khi lưu thông đến các điểm có nhiều nguy cơ đã được cảnh báo hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người điều khiển phương tiện tuân thủ quy định và có trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm đối với bản thân và gia đình.
"Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang, vì an toàn của bản thân và xã hội!". Chỉ cần 30 giây thôi, bạn có thể cứu sinh mệnh của chính mình và những người thân yêu!
Trong nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, ngoài việc đẩy mạnh tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu đảm bảo sự liên thông, phối hợp nhịp nhàng của ngành đường sắt, phương án xóa bỏ các đường ngang, lối mở cũng đã được tính toán, với tầm nhìn đến năm 2025. Tất nhiên, cũng phải cần một nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện giải pháp này.
Bởi vậy, ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ vẫn là yếu tố quyết định đối với an toàn của ngành đường sắt.
Giải pháp không hề tốn kém ấy có thể giúp cứu hàng trăm sinh mệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân và đất nước.
Bên cạnh đó cũng cần xử lý trách nhiệm hình sự và kinh tế đối với trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho ngành đường sắt. Đồng thời, phải xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân được giao nhiệm vụ gác chắn mà tắc trách với công việc.
Trở lại với vụ tai nạn nói trên, rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Song, cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc bởi đây là vụ việc nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng một cháu bé và số phận của hai người còn lại không biết sẽ thế nào…