Cháy lên ngọn lửa của tinh thần bất khuất Gạc Ma!
(Dân trí) - Công trình là thông điệp nói với tất cả các thế lực có ý đồ xâm lăng rằng nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Và không chỉ có vậy, đây còn là lời nhắc nhở với tất cả mỗi người dân Việt Nam món nợ lãnh thổ bị xâm lăng.
Đúng ngày này cách đây 27 năm (14/3/1988), Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Trong trận chiến đấu khốc liệt này, 3 tàu của ta đã bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Hình ảnh các chiến sĩ nắm tay nhau trước lúc hi sinh đã trở thành biểu tượng của Vòng tròn bất tử.
27 năm nay, mỗi người dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ về các anh hùng liệt sĩ đã hòa máu xương vào biển cả, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
Và hôm qua (ngày 13/3/2015), Công trình Tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chính thức được khởi công. Đây là “Công trình tưởng niệm của toàn dân tộc” như lời của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) Đặng Ngọc Tùng trước giờ phút thiêng liêng đặt phiến đá đầu tiên tại công viên Biển Đông - bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Công trình do TLĐLĐ VN phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức và thật vinh dự trong đó có sự đóng góp của bạn đọc báo Dân trí.
Cách đây một năm, Quỹ Tấm lòng vàng của TLĐLĐ VN đã phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”. Sau một năm phát động, chương trình đã nhận được số tiền hơn 100 tỉ đồng của các cấp công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp.
Việc khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nói chung, các liệt sĩ Gạc Ma nói chung còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm.
Công trình là thông điệp nói với tất cả các thế lực có ý đồ xâm lăng rằng nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Và không chỉ có vậy, đây còn là lời nhắc nhở với tất cả mỗi người dân Việt Nam món nợ lãnh thổ bị xâm lăng.
Nhớ lại câu chuyện về vết đạn đại bác thực dân Pháp bắn vào thành Hà Nội cách đây hơn một thế kỉ mà sau đó, nhiều người muốn bịt vết đạn lại để quên đi sự thất bại của Thành Hà Nội. Thế nhưng có nhiều ý kiến ngược lại, hãy để nguyên vết đại bác đó để thấm nỗi đau mất nước, làm động lực giành lại độc lập dân tộc.
Từ hơn 40 năm nay (1974), nỗi đau Hoàng Sa và 27 năm nay (1988) nỗi đau Gạc Ma luôn luôn ghi khắc trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Có thể là năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa nhưng chắc chắn sẽ có ngày Hoàng Sa, Gạc Ma trở về với Tổ quốc Việt Nam đất mẹ thân yêu.
Chúng ta quyết không chấp nhận mất dù chỉ một ly, một lai đất đai của Tổ quốc như lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ Kỉ niệm 1975 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: “Không để mất “một thước núi, một tấc sông” của ông cha ta để lại… Mất một ly, một lai lãnh thổ là có tội với tiền nhân; để nước ta mất độc lập, tự chủ cũng là không xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Hai Bà Trưng”.
Hay như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng”, không có “tình bạn viển vông” kiểu “nhà tôi là nhà anh”.
Vẫn còn đó văng vẳng lời của Đức Vua Lê Thánh Tông: “Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di” và lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chúng ta, những người sống hôm nay không và ngàn lần không được phép quên món nợ Hoàng Sa, Gạc Ma để dù chỉ một phút giây mất cảnh giác như lời của Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng: “Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời nhắc nhở bài học cảnh tỉnh về nguy cơ ngoại xâm đến từ biển để chúng ta phải cảnh giác”.
Vẫn còn đó nỗi đau và món nợ Hoàng Sa, Gạc Ma!
Hãy cháy lên ngọn lửa của tinh thần bất khuất Gạc Ma!
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!