“Chạy” + “đẻ” và “mặt hàng” mạo hiểm “một vốn bốn mươi lời”!
(Dân trí) - Chả ai mua về để chơi mà không cầu lợi cả. Thậm chí, đây là “mặt hàng” thuộc “đầu tư mạo hiểm”, được – mất rất chông chênh nên không chỉ “một vốn bốn lời” mà “một vốn bốn mươi lời” và có thể, cả trăm lời mới hấp dẫn đầu tư.
Nếu để riêng hai từ “chạy” và “đẻ”, chúng tuy cùng là động từ nhưng gần như chả có gì liên quan đến nhau. Vì chẳng ai vừa “chạy” lại vừa… “đẻ” mà cũng chẳng ai vừa “đẻ” lại vừa “chạy” cả.
Thế nhưng gần đây, hai từ này lại gắn bó với nhau khá… khăng khít. Nếu ở khía cạnh thứ nhất, “chạy đẻ” là chuyện mà dân gian gọi là “ăn cơm trước kẻng” thì ở khía cạnh thứ hai, là chuyện tiêu cực xã hội mà ông Đỗ Văn Đương (ĐB TP Hồ Chí Minh) đúc kết: “Chạy chức, chạy quyền là nơi "đẻ" ra tham nhũng”.
Thật ra, từ “chạy” ở đây đã bị biến thái. Nói trắng ra, nó là từ mua. Mua chức, mua quyền. Mà nói đến mua - bán cũng tức là nói đến thị trường. Một khi đã là “thị trường”, tất yếu nó có “biểu giá” cụ thể. Có mặc cả hơn kém. Có hàng thật, hàng giả và có cả lừa đảo. Có điều, nó không (hoặc chưa) được đưa lên sàn chứng khoán mà thôi.
Và quan trọng hơn, đã là thị trường thì nó tất yếu phải chấp nhận qui luật “cung – cầu”, có người “mua” thì tất yếu phải có người “bán”.
Vậy ai bán? Tất nhiên phải là người có chức, có quyền thì mới có cái mà bán. Chả ai bán cái không có cả.
Còn người mua, cũng tất nhiên một khi đã đầu tư thì phải mong sinh lợi. Chả ai mua về để chơi mà không cầu lợi cả. Thậm chí, đây là “mặt hàng” thuộc “đầu tư mạo hiểm”, được – mất rất chông chênh nên không chỉ “một vốn bốn lời” mà “một vốn bốn mươi lời” và có thể, cả trăm lời mới hấp dẫn đầu tư.
Nên ĐB Đỗ Văn Đương đã rất có lý khi ông đặt vấn đề: “khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại”.
Mà “vơ vét” ở đâu nhỉ nếu như không phải là tiền túi của dân và cái hầu bao của nhà nước (thật ra, tiền nhà nước cũng là tiền thuế của dân cả thôi).
Nguy hại hơn, việc “mua - bán” này còn làm băng hoại đạo đức xã hội. Trong một môi trường mua - bán, người trong sáng không bị cô lập thì cũng bị “đẩy” ra khỏi guồng máy như lời ĐB Đương: “Chạy dẫn đến nhiều bất công rất lớn. Cuộc đời còn nhiều người trong sáng, trong sạch nhưng như cá ở trong nước trong thì sẽ nhìn thấy rõ, sẽ bị cô lập và không còn ai chơi với”.
Vậy, bài toán là làm thế nào để trị “căn bệnh” này?
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng chỉ có quyết tâm của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng mới đủ sức làm được việc này. “Chế thuốc trị loại vi khuẩn, virus này, đưa ra phác đồ, quyết sách tấn công phải là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước - Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vì cả cơ thể vi khuẩn, virus đã xâm chiếm nhiều quá rồi, nếu không bốc thuốc đúng, virus kháng thuốc thì còn phát triển hơn nữa”. Ông Đương nói.
Cay đắng, xót xa, vị đại biểu nổi tiếng bởi những phát biểu thẳng thắn này còn bày tỏ: “Tôi tiếc rằng tội mua bán chức quyền không được đưa vào Luật hình sự, phải coi như tội phạm hình sự như vậy mới được. Giờ chỉ trông chờ vào cơ quan lãnh đạo cao nhất. Cử tri nói rằng các ông nói nhiều quá nhưng không thay đổi tình hình thì các ông cũng nên đừng nói nữa”.
Có thể cái câu “đừng nên nói nữa” là biểu hiện sự bi quan, bất lực của ĐB Đương, song cũng rất đáng suy nghĩ bởi nếu “nói nhiều quá nhưng không thay đổi tình hình” thì đúng là có nên nói nữa không nhỉ, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám