Cây cầu mà biết nói năng…
(Dân trí) - Cầu phao Lương Phúc xây năm 2017 bắc qua sông Cà Lồ vừa bất ngờ được "khai sinh" lại - nâng thêm hàng chục tuổi, trong một báo cáo gửi lên TP Hà Nội mới đây.
Cầu phao này (thuộc địa phận Sóc Sơn, Hà Nội) xây mới hoàn toàn vào năm 2013 với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng và chính thức đưa vào khai thác từ năm 2017, thế mà trong văn bản của Sở GTVT Hà Nội báo cáo lên UBND TP Hà Nội lại nêu: Cầu được xây dựng từ năm 1984, hiện tại đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Những tưởng là nhầm. Nhưng trước đó, nội dung này cũng được ghi lại trong biên bản làm việc có chữ ký xác nhận của đại diện 4 đơn vị liên ngành của Hà Nội là Sở GTVT, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở KH&ĐT và UBND huyện Sóc Sơn.
Nhiều cơ quan cùng bàn về một cây cầu với loạt mô tả "như đúng rồi", lại còn khẳng định "đây là cầu có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên tỉnh giữa các xã phía Đông của huyện Sóc Sơn với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh", ấy vậy chẳng hiểu bằng cách nào thông tin báo cáo lên thành phố lại… hoàn toàn không đúng sự thật.
Cây cầu chẳng những bị "khai khống tuổi" mà còn bị "vu oan" về hiện trạng của nó. Một cây cầu rõ ràng là có tên có tuổi, có địa chỉ cụ thể!! Và khi nhìn vào những hình ảnh mà phóng viên Dân Trí cung cấp trong bài viết ngày 16/4, người viết cũng đến "bó tay" với chính quyền huyện Sóc Sơn lẫn loạt cơ quan cấp Sở.
Cứ cho là những đơn vị này tiếp nhận đề xuất từ dưới cấp cơ sở trình lên, vậy thì về xét mặt hồ sơ, giấy tờ, phải tới năm 1995, UBND huyện Sóc Sơn mới đồng ý chủ trương xây dựng cầu phao Lương Phúc (văn bản gốc được người quản lý cầu phao này cung cấp cho phóng viên), nhưng sao cây cầu lại có thể được "khai" là xây từ năm 1984 được?
Thêm vào đó, khi đề cập đến hiện trạng của cây cầu phao này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn đã đưa ra lời giải thích không thể vụng về hơn: "Chúng tôi không thể xác định nó cũ hỏng hay xuống cấp nghiêm trọng, chỉ có thể xác định bằng cảm quan mắt thường là thấy nó không an toàn".
Than ôi, nếu cầu này mà biết nói năng thì nó sẽ nói gì nhỉ?! Liệu nó có hiểu lí do vì sao bị các cơ quan trên một mực "vu oan" như thế?
Thực tế, văn bản được Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội vừa rồi là nhằm đề xuất xây dựng cầu Lương Phúc mới thay cho cầu hiện tại với kinh phí đầu tư hơn 72 tỷ đồng.
Ra thế! Đại ý là "cầu phao ơi, mặc kệ cho mày còn mới hay đã cũ, nhưng đã đến lúc phải thay thế mày bằng cầu mới với giá trị vốn đầu tư gấp hơn 10 lần nhé!".
Tham khảo ý kiến từ một doanh nghiệp chuyên đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực cầu đường ở khu vực phía Nam, người viết được cho biết, nếu là cầu phao thì tuổi thọ đến 30 năm sẽ khó mà đảm bảo được an toàn đi lại, song với hình ảnh cây cầu được phản ánh trên báo chí và mới xây được 4 năm thì không có chuyện xuống cấp trầm trọng.
Chưa rõ cơ sở mà các cơ quan trình kinh phí đầu tư hơn 72 tỷ đồng cho cây cầu mới. Tuy nhiên trên kinh nghiệm thực tế, doanh nghiệp cho hay, một cây cầu giản đơn tổng chiều dài cầu 60m cũng chỉ có chi phí khoảng 30 tỷ đồng. Con số này sẽ giảm xuống khoảng 15-20 tỷ đồng với cầu nhỏ hơn (chiều rộng cầu dưới 6m).
Là người ngoại đạo, người viết nhận thấy, trong trường hợp nếu nhu cầu đi lại gia tăng mạnh và bức thiết thì địa phương có thể đề xuất xây cầu mới, nhưng không có nghĩa là được phép "vu oan" cho cây cầu hiện tại. Sự không trung thực này sẽ dẫn đến nhiều suy diễn và hoài nghi không đáng có.
Hơn nữa, kinh phí đề xuất tới hơn 72 tỷ đồng mà văn bản lại cung cấp thông tin không chính xác, mang tính ước lượng chủ quan… thì thật đáng ngại biết bao!!