Câu nói “sảy miệng” bỗng trở thành nghiêm trọng

(Dân trí) - Hãy coi đây như một sự lỡ lời, song ông Hải cũng cần có lời xin lỗi chân thành gửi tới người dân U Minh đồng thời coi đây là bài học không nhỏ. Là dân, trước khi nói phải như lời các cụ dạy “uốn lưỡi 3 lần”, làm quan (cán bộ) thì nhiều khi phải “uốn lưỡi” 6 lần vẫn chưa là đủ.

abcd
abcd

Một câu nói bộc phát, xảy ra trong sự bức xúc như một sự “sảy miệng” đã trở thành nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Đó là câu nói của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM). Bức xúc trong khi tranh cãi với một tài xế taxi Mai Linh bị đoàn kiểm tra xử phạt vì đậu xe trên vỉa hè để đi vệ sinh, ông Hải đã thốt ra câu nói gây “ấn tượng mạnh”: “Sống ở Quận 1 phải chấp hành luật, còn không về rừng U Minh mà sống”.

Ngay lập tức, câu nói trên được nâng lên thành quan điểm nghiêm trọng, có ý xúc phạm và khinh miệt người nhà quê, cụ thể ở đây là người dân Cà Mau, xứ sở của rừng U Minh.

Điều này khiến ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TPHCM đã phải lên tiếng rằng phát ngôn của ông Hải về nội hàm thì không sai nhưng hơi cực đoan, có thể gây bức xúc.

Nghiêm trọng là gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau có văn bản cho biết, ngay sau khi phát ngôn được đăng tải trên báo chí, đã có nhiều ý kiến trái chiều, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến người dân Cà Mau nói chung, người dân U Minh nói riêng.

Để định hướng dư luận, Ban Tuyên giáo đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải xác định nội dung, đồng thời cho ý kiến về vấn đề trên, gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau (bằng văn bản) trong thời gian sớm nhất.

Trước hết, phải nói rằng nếu xét độc lập thì đây là câu nói không chỉ không nên mà không được phép, nhất là một cán bộ công quyền. Lý do, nó mang tính phân biệt và miệt thị không chỉ một cá nhân mà một vùng đất, một nền văn hóa.

Tuy nhiên, để hiểu một câu nói trọn vẹn, có lý, có tình và có cả sự vị tha, cần phải đặt nó trong văn cảnh cụ thể. Thậm chí, nội hàm câu nói còn phụ thuộc vào cả âm lượng (to – nhỏ), âm điệu (nhanh – chậm), nét mặt, cử chỉ… tại thời điểm phát ngôn đó.

Với bạn bè thân thiết, người ta có thể nói “mày tao” ở bất cứ đâu nhưng trong một cuộc họp chẳng hạn, thì đó là điều tối kị.

Rồi cùng một câu nói trong vẻ mặt hân hoan khác hẳn, thậm chí trái ngược về nội hàm với vẻ mặt căm giận, phẫn nộ…

Sự to – nhỏ, nhanh – chậm cũng thế.

Điều này càng đúng với ngôn ngữ Việt Nam, một ngôn ngữ nhiều hình tượng và giàu cảm tính.

Đối với phát ngôn nói ở trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Hải khẳng định: “Không có ý gì với người dân U Minh thân thương cả. Anh chỉ muốn lấy hình tượng luật rừng ra để nhắc nhở tài xế vi phạm và cãi cọ. Người ta nghèo, người ta hiền, người ta dễ thương tại sao anh lại xúc phạm họ. Từ trái tim anh không bao giờ có suy nghĩ đó, chứ đừng nói là hành động.

Tôi nói câu đó có phải là sỉ nhục người dân đâu. Tôi là Phó chủ tịch một quận, làm sao tôi không hiểu được điều đó. Nhưng có điều tôi vận dụng rừng rú khi mà tài xế cãi ngang bằng được, viện đủ lý do”.

Người viết bài này cho rằng đây như là sự hối lỗi của ông Đoàn Ngọc Hải.

Thật tình, như đã nói ở trên, trong hoàn cảnh cụ thể này, nếu nâng thành quan điểm thì đó là câu nói không được phép nhưng cũng không nên qui chụp hay suy diễn quá.

Về sự so sánh, có lẽ ông Hải cũng không sai nhiều lắm bởi đúng là sống ở nơi rừng núi với thiên nhiên, con người tự do hơn, phóng khoáng hơn, mọi sinh hoạt cũng thỏa mái hơn là sống nơi thành thị hoặc những chỗ đông người. Nơi mà mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất cũng có thể tác động đến quyền tự do của người khác nên buộc mỗi cá nhân phải “trói” mình vào khuôn phép.

Nếu muốn tự do, phóng khoáng mà không (hoặc rất ít) ảnh hưởng đến người khác thì tốt nhất là hãy về nơi nào ít người, thậm chí hoang vu mà sống. Tất nhiên, cũng đừng nghĩ rằng ở thôn quê, rừng núi mà không có luật lệ.

Cụ thể trong trường hợp này, nếu ở nông thôn, anh có thể tìm một chỗ ít người qua lại để đậu xe rồi đi vệ sinh nhưng ở thành phố thì dứt khoát phải đỗ xe đúng nơi qui định chứ không có chuyện bạ đâu đỗ đó.

Tóm lại, như đã nói ở trên, việc phát ngôn của ông Đoàn Ngọc Hải là không nên, nhất là đối với một cán bộ lãnh đạo. Song, cũng nên thể tất bởi con người ta ai cũng vậy, đôi khi không kiểm soát được hết mọi phát ngôn của mình, nhất là khi tranh cãi.

Hãy coi đây như một sự lỡ lời, song ông Hải cũng cần có lời xin lỗi chân thành gửi tới người dân U Minh đồng thời coi đây là bài học không nhỏ.

Là dân, trước khi nói phải như lời các cụ dạy “uốn lưỡi 3 lần”, làm quan (cán bộ) thì nhiều khi phải “uốn lưỡi” 6 lần vẫn chưa là đủ.

Bùi Hoàng Tám