Cần xóa bỏ “kỳ thị” với những doanh nghiệp Nhà nước

(Dân trí) - Xoá bỏ đặc quyền đặc lợi với DNNN đồng thời kiện toàn lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, người viết tin rằng kiểu làm ăn bè phái, góp mặt vào để giành những “miếng bánh” ngon cũng tự khắc không còn tồn tại.

Cần xóa bỏ “kỳ thị” với những doanh nghiệp Nhà nước - 1

Những thua lỗ, thất thoát của không it doanh nghiệp Nhà nước khiến một chủ trương đúng đắn, phù hợp với con đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã nảy sinh một tâm lý “kỳ thị” trong dư luận.

Công bằng, sự kỳ thị này có lý do cụ thể mà Vinashin là một trong những “ví dụ điển hình” đó. Hàng loạt ung nhọt, bệnh tật của Vinashin bị phơi bày: Đầu tư trái ngành, dàn trải dẫn đến thua lỗ, nợ nần và buộc phải giải thế; lãnh đạo quản lý có người đã phải vào tù vì thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí… Đây cũng là “vết thương đau” của nền kinh tế mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa thể lành da.

Mới đây thôi, thêm một lần nữa, một số “quả đấm thép” một thời lại càng khiến người ta thất vọng với hàng loạt dự án quy mô cả nghìn tỷ đồng kinh doanh thua lỗ, phải đắp chiếu, thậm chí là tính đến bước đường phá sản. “Nghìn tỷ đồng” đó, phần lớn là tiền ngân sách hay là tiền thuế của dân.

Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… và những cái tên tương tự, khiến người ta cảm thấy ngại ngần khi nhìn vào nhân sự DNNN. Liệu có phải, cứ “con ông, cháu cha” là được tuyển vào, để rồi kinh doanh có lời hay lỗ cũng chỉ ra bước đệm để “con cháu các cụ” tiến thân?

Cụm từ “làm trong doanh nghiệp Nhà nước” từng là niềm tự hào, hy vọng và kiêu hãnh của rất nhiều thế hệ người lao động một thuở thì nay, không ít nơi trở thành một cụm từ mang hàm ý tiêu cực trong suy nghĩ của một số người dân.

Một bức tường định kiến vô hình được xây nên tự lúc nào với những “đứa con cưng” doanh nghiệp Nhà nước, đó là tham nhũng, là bè phái, là thua lỗ, là không hiệu quả, là dàn trải, ôm đồm… Nhiều trường hợp, các DNNN còn là “sân sau” để các nhóm lợi ích chia chác cho nhau.

Tuy nhiên thực tế, thống kê của Vietnam Report về 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam năm 2017 ghi nhận, khối DNNN vẫn đang đóng góp doanh thu hơn một nửa trong bảng tổng sắp, chiếm tới 52% danh sách VNR500. Các doanh nghiệp này có mặt tại hầu hết lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, đó là điện, khoáng sản, xăng dầu, tài chính, thực phẩm, viễn thông… Đó là minh chứng cho thấy, không phải cứ DNNN là yếu kém, là thua lỗ.

Song, để thay đổi “định kiến” đối với DNNN thì bản thân các DNNN trước hết phải tự thay đổi chính mình. Từ thực tế đó, Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành hẳn một nghị quyết riêng về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Theo đó, thay vì đâu đâu cũng có bàn tay Nhà nước, nay các DNNN chỉ cần “tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.

Nói cách khác, bên cạnh các chỉ tiêu doanh thu - lợi nhuận thì DNNN còn phải đảm đương “nhiệm vụ chính trị”, đảm bảo “định hướng xã hội chủ nghĩa” trên nền tảng kinh tế thị trường; chứ không phải là “miếng ngon” thì giành lấy, “xương xẩu” thì để lại cho tư nhân.

Xoá bỏ đặc quyền đặc lợi với DNNN đồng thời kiện toàn lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, người viết tin rằng kiểu làm ăn bè phái, góp mặt vào để giành những “miếng bánh” ngon cũng tự khắc không còn tồn tại.

Và khi đó, “sự kỳ thị” cũng không còn và hi vọng, doanh nghiệp Nhà nước sẽ trở lại thời hoàng kim, trở thành cái “đích” cho những tài năng phấn đấu.

Bích Diệp