Cần xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Trần Văn Quý

(Dân trí) - Anh Trần Văn Quý (SN 1987, thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), công tác tại Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Nam. Trong lúc làm nhiệm vụ trục vớt gỗ do lâm tặc cất giấu, vận chuyển dưới lòng sông Vu Gia, anh Quý đã bị vòng nước xoáy cuốn và đã tử vong.

 

 


(Bố kiểm lâm Trần Văn Quý bên bàn thờ của con mình)

(Bố kiểm lâm Trần Văn Quý bên bàn thờ của con mình)

Vụ việc xảy ra từ ngày 15.5.2011, cho đến nay, anh Trần Văn Quý vẫn không được Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội công nhận liệt sĩ, lý do là vì không mặc áo phao khi trục vớt gỗ. Các cơ quan tỉnh Quảng Nam đề xuất, nhưng Công văn trả lời của Bộ LĐTBXH nêu:

“Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, bơi được khoảng 4-5 mét bị sụp vào hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước. Trong xác nhận liệt sĩ dũng cảm là hành động xả thân của cá nhân, mặc dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nhưng vẫn hành động để cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân. Do đó, không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành”.

Thử phân tích nội dung công văn của Bộ LĐTBXH:

Tai nạn chết người nào mà không là yếu tố bất ngờ, nếu biết trước là sẽ chết thì không ai lao vào cái chết. Chỉ cần hành động dám lao vào nơi nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ là đủ để xem xét như một điều kiện xác nhận liệt sĩ khi có tai nạn chết người xảy ra.

Trục vớt gỗ cất giấu dưới lòng sông tất nhiên là công việc rất nguy hiểm, không thể xem đó là công việc bình thường. Và hành động đó rõ ràng để cứu tài sản của nhà nước.

Anh Trần Văn Quý làm nhiệm vụ được giao, nhưng trường hợp này là làm công việc nguy hiểm. Lặn xuống sông để trục vớt gỗ của lâm tặc cất giấu là hành động xả thân, là một sự dũng cảm.

Hiện nay, lâm tặc hoành hành khắp nơi, lực lượng kiểm lâm đối mặt với rất nhiều khó khăn. Kiểm lâm luôn bị lâm tặc tấn công, bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ trong những điều kiện nguy hiểm. Do đó, cần phải xem xét, thực hiện các chế độ chính sách kịp thời và phù hợp đối với người có công. Điều này không chỉ là sự đảm bảo công bằng đối với người có công, mà còn động viên tinh thần cho toàn lực lượng kiểm lâm.

Kiểm lâm tha hóa, bị lâm tặc mua chuộc thì lên án, phê phán, truy tố trước pháp luật. Vậy thì, kiểm lâm hy sinh mạng sống mình khi thực thi nhiệm vụ phải được tuyên dương, khen thưởng và ghi công xứng đáng. Việc thực hiện các chế độ phải bảo đảm khách quan, chặt chẽ, nhưng không nên quá máy móc.

Trường hợp anh Trần Văn Quý, rất cần xem xét lại để công nhận liệt sĩ theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam.

Lê Chân Nhân