Cần làm rõ giao dịch lan đột biến là "ngáo giá" hay rửa tiền?
(Dân trí) - 250 tỷ đồng/1 cây Ngọc Sơn Cước, 20,5 tỷ đồng/1 lá non Pleiku và 18 tỷ đồng cho 2 lá non Cờ đỏ. Các giao dịch với tổng trị giá lên tới 288,5 tỷ đồng này là của Vườn lan var Đất Mỏ với một số cá nhân.
Đây chỉ là một ví dụ trong vô số những vụ chuyển nhượng tiền tỷ hoa lan thời gian gần đây.
Những tưởng sau cơn sốt năm ngoái, thị trường lan đột biến đã lặng sóng thì đến nay, cứ ít hôm, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) lại rầm rộ các livestreams quảng bá.
Người ngoại đạo trầm trồ: Tiền đâu mà lắm thế? Còn giới chơi lan lâu năm thì lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí là trong mắt nhiều người, giao dịch lan tiền tỷ chẳng khác gì một trò đùa khi sản phẩm đưa ra trao đổi trông chẳng khác gì… cọng rau muống!
Đành rằng lan được ví như vua của các loại hoa và cũng khó để định giá đam mê, nhưng rao bán tới hàng trăm tỷ đồng cho mỗi cây hoa lan thì quả là khó tưởng tượng.
Hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra: Người chi tiền mua lan trong những thương vụ đó liệu có bị "ngáo giá" hay không, hay là thừa tiền nên vứt qua cửa sổ? Bản thân người viết lại quan tâm nhiều hơn đến chuyện hậu trường và những mánh khóe ẩn sau các giao dịch này.
Nếu giao dịch là thật thì các bên phải có nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam, qua xác minh ban đầu, cơ quan thuế xác định 99% các đối tượng buôn bán hoa lan trên là giả.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng từng xác nhận rằng, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.
Vậy nếu đã là giao dịch giả hoặc không thể xác thực thì không dưng người ta "dựng" nên các thương vụ này nhằm mục đích gì? Để cho vui sao?
Báo chí dẫn nhận định của một đại gia đam mê cây cảnh: Tất cả những người giao dịch lan trong các thương vụ trên đều là kinh doanh thu lợi nhuận chứ không phải vì đam mê. Vậy lợi nhuận cuối cùng đi về đâu?
Vị đại gia này đặt nghi vấn, một phần của mục đích này có thể là "rửa tiền". Theo đó, người viết cho rằng, khả năng này không phải không có. Mà muốn biết rõ, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, lần theo dấu vết dòng tiền để đưa ra ánh sáng nguồn gốc tiền này trú ẩn ở đâu.
Bên cạnh đó, vị đại gia nói trên còn đánh giá, lượng tiền đổ vào lan như đa cấp lừa đảo?
Về phía cơ quan chức năng, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng đã đưa ra cảnh báo: Không hiếm trường hợp người chơi lan bỏ ra cả tỷ đồng để mua giống lan quý, sau hàng năm trời chăm sóc kỳ công, cây lan lại trổ ra mặt hoa phổ biến, giá trị thấp, dẫn đến tranh cãi, xô xát với người bán, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.
Không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn tín dụng đen để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản...
Nói thẳng ra, giao dịch "ảo" đó chỉ là chiêu "lùa gà vào chuồng để thịt" mà nạn nhân không ai khác là những nhà đầu cơ mộng tưởng làm giàu chớp mắt. Liệu rằng, với những cảnh báo trên báo chí, và cả khi đọc bài viết này, họ có tỉnh mộng hay không?
Nếu đơn thuần là đầu cơ thì những người chuẩn bị xuống tiền nên đọc kỹ về bài học kinh điển: "Hội chứng hoa tulip" hay "bong bóng uất kim hương" xảy ra từ gần 400 năm về trước (chứ chẳng mới mẻ gì) để thấy: Một khi thị trường trở nên "điên rồ" nghĩa là bong bóng sắp vỡ, hãy cẩn thận!
Cơ quan thuế và cơ quan công an nói rằng, giao dịch "ảo" vì không có hợp đồng, hóa đơn. Nhưng tôi lại thấy, dù có ảo hay không, nhưng đó là tiền đề cho những giao dịch thật, và đã có người tiền mất tật mang!
Rửa tiền hay lừa gạt - những chiêu trò gây bất ổn xã hội đó đều cần phải bị điều tra và xử lý!