Cần chi tiêu thì giờ của Quốc hội hợp lý

(Dân trí) - “Đại biểu có khi ngồi bắt bẻ về câu chữ trong dự thảo luật. Nghe đại biểu bắt bẻ câu chữ, tôi ngượng lắm, ngượng cho chúng ta vì những việc như thế còn để đại biểu nói” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ tại phiên họp thứ 39, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vừa bế mạc cuối tháng 6 vừa qua.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Câu nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất đáng để suy nghĩ. Bởi vì, các được án luật đã được chuẩn bị rất kỹ, đầu tiên là các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo. Văn bản được công bố công khai, lấy ý kiến góp ý rộng rãi, sau đó sửa chữa nhiều lần. Bước tiếp theo là dự án luật được các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị trước khi đưa ra thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội. Thế nhưng, không ít trường hợp khi đưa ra thảo luận, lại chỉ “luận” về câu cú, về tính thống nhất của dự án luật, về sự xung đột với các luật khác.

Vậy thì còn thì giờ đâu để bàn đến nội dung và các vấn đề quan trọng, lớn lao của dự án luật. Ra đến diễn đàn Quốc hội, thì giờ quý báu chỉ để dành cho những việc hệ trọng của quốc gia, không thể phung phí cho việc săm soi chính tả, câu từ. Một giờ của Quốc hội được tính cả trăm triệu đồng, chưa kể thời gian của hàng trăm đại biểu, hàng triệu cử tri theo dõi, cho nên không thể chi tiêu thì giờ quý giá đó bất hợp lý.

Không chỉ là chuyện câu từ mà Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét: “Có phiên thảo luận các bài phát biểu trùng nhau hết, nhiều khi nghe rất mệt. Cá nhân tôi thích đại biểu chuẩn bị nội dung phát biểu trong đầu và căn cứ phiên họp diễn ra thế nào để tham gia cho phù hợp”.

Đúng là nhiều bài chuẩn bị sẵn, dài dòng nhưng thiếu thông tin, nghe rất mệt. Và xin hỏi, chuẩn bị sẵn mà nghe còn mệt như thế, thì phát biểu đột xuất, cần phải tư duy nhạy bén, thì lấy đâu ra ý tứ có chất lượng? Một khi trình độ hạn chế, thì thể hiện bằng văn bản chuẩn bị sẵn hay nói trực tiếp cũng cho ra cùng kết quả. Đó là không có giá trị gì ngoài xuất hiện trước truyền hình…

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất bố trí thời lượng để tạo được không khí tranh luận trong các phiên họp. Một đề xuất rất cần thiết, nhưng trên thực tế, tranh luận có đạt chất lượng hay không còn tùy thuộc vào người tranh luận. Có những đại biểu nói ra một lời, có ý nghĩa một lời, nhưng không ít người nói ra những điều chẳng có ích lợi gì, thậm chí sai kiến thức căn bản.

Để các kỳ họp Quốc hội đạt hiệu quả cao, mang lại những giá trị thực sự cho đất nước, cải cách cốt lõi chính là con người. Hãy thẳng thắn nhìn nhận một điều, còn có nhiều đại biểu hạn chế về trình độ. Đừng né tránh điều này mà làm gì, bởi vì dân thấy rõ, dân biết hết.

Dân không chỉ thấy rõ trình độ của từng đại biểu, mà hiểu được ai là người thực sự vì nước vì dân.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!