Chủ tịch Quốc hội: Phát ngượng vì bị đại biểu bắt bẻ từng câu chữ
(Dân trí) - Nói về việc các ủy ban nghiên cứu, chuẩn bị các dự án luật khi đưa ra Quốc hội xem xét chưa thật chu đáo, để các đại biểu nhiều khi phải bắt bẻ về câu chữ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nhiều khi ông “phát ngượng” khi nghe đại biểu bắt bẻ.
Sáng 14/7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 39, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vừa bế mạc cuối tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, cho ý kiến về vấn đề này, một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn cần cải tiến các phiên thảo luận theo hướng tăng tranh luận, bớt các bài chuẩn bị sẵn.
Dẫn chứng nhiều phiên thảo luận có trao đổi, tranh luận. Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, không khí thảo luận như vậy rất lôi cuốn cả đại biểu và cử tri, báo chí cũng đặc biệt quan tâm, nhất là các phiên được truyền hình trực tiếp.
“Tiếc là chưa phải phiên nào cũng được như vậy. Có phiên thảo luận các bài phát biểu trùng nhau hết, nhiều khi nghe rất mệt. Cá nhân tôi thích đại biểu chuẩn bị nội dung phát biểu trong đầu và căn cứ phiên họp diễn ra thế nào để tham gia cho phù hợp” - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội phát biểu.
Theo đó, bà Mai kiến nghị ở tất cả các phiên thảo luận, dù là nội dung giám sát hay xây dựng luật thì cũng nên bố trí thời lượng xen kẽ cho đại diện cơ quan soạn thảo nêu ý kiến tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình hoặc là tiếp thu góp ý của các đại biểu khi thảo luận. Có như vậy mới tạo được không khí tranh luận trong các phiên họp. Còn nếu chỉ sắp xếp để đại diện cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo chuẩn bị trước từ đầu phiên thảo luận thì nhiều khi các nội dung được phân tích, trình bày cũng lạc lõng so với hướng quan tâm, bàn bạc của đại biểu.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thì các phát biểu tại kỳ họp 9 được chuẩn bị tốt hơn.
“Chuẩn bị sẵn hay không đều có cái hay của nó, có những bài chuẩn bị bằng văn bản chỉ nói về một vấn đề nhưng rất sâu như của đại biểu Lê Thị Nga, còn nếu không chuẩn bị bằng văn bản thì đôi khi phát biểu lại lỏng lẻo”, ông Lý nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật thẳng thắn nhận xét, ông chưa hài lòng với kết quả chất vấn khi nhiều vấn đề được nêu đi nêu lại nhiều lần, người hỏi rất tâm huyết mà người trả lời cũng tỏ ra sâu sát, thành khẩn nhưng kết lại, thực trạng không rõ, hiệu quả không rõ và trách nhiệm lại càng không rõ.
Chất vấn cuối khóa: Quyết không “đánh trống bỏ dùi”
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay, Văn phòng Quốc hội dự kiến Quốc hội làm việc 28 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ ba, ngày 20/10 và bế mạc vào thứ bảy, ngày 25/11/2015.
Riêng với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kỳ họp này sẽ đổi mới, sẽ chất vấn về việc thực hiện nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tức là chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng ai.
Theo đó, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao sẽ có báo cáo về kết quả thực hiện chất vấn của đại biểu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015). Sau đó các vị đại biểu sẽ căn cứ vào nội dung các báo cáo này để chất vấn.
Nhẩm tính sau 9 kỳ họp đã có khoảng 150 vấn đề lớn được Quốc hội đặt ra tại các Nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chọn khoảng 40 - 50 vấn đề trong số đó để tập trung chất vấn xem từ khi chất vấn đến nay đã làm những gì, những gì còn tồn tại, hướng giải quyết thế nào và trách nhiệm đến đâu.
“Cụ thể như hồ đập thủy điện đến nay thế nào, tái cơ cấu kinh tế đến giờ này ra sao… đại biểu hỏi ai thì người đó trả lời. Đây là đổi mới, đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, nhiệm kỳ công tác của nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước) cũng sẽ được xem xét, đánh giá tại kỳ họp Quốc hội sau cùng của khóa XIII.
Ông cũng lưu ý các ủy ban chuẩn bị các dự án luật cho kỳ họp tới thật chu đáo, đừng để đại biểu ra nghị trường thay vì nói về những vấn đề lớn lại phải bắt bẻ về câu từ, về tính thống nhất của dự án luật.
“Đại biểu có khi ngồi bắt bẻ về câu chữ trong dự thảo luật. Nghe đại biểu bắt bẻ câu chữ, tôi ngượng lắm, ngượng cho chúng ta vì những việc như thế còn để đại biểu nói” – Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
P.Thảo