Cấm uống rượu, bia khi lái xe:  Đã có hiệu quả cao, càng phải quyết liệt hơn!

(Dân trí) - Tổng kết sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/NĐ-CP, số lượng người chết và bị thương do các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển giao thông có sử dụng bia rượu đã giảm mạnh. Vậy còn lý do gì nữa để không thực hiện quyết liệt hơn?

Cấm uống rượu, bia khi lái xe:  Đã có hiệu quả cao, càng phải quyết liệt hơn! - 1

Người viết bài này có một người bạn thân làm bác sĩ Khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Việt-Đức- một bệnh viện hàng đầu tại Hà Nội, nơi luôn xảy ra tình trạng quá tải các bệnh nhân bị chấn thương nặng về chân tay, não... do các vụ tai nạn mà phổ biến là tai nạn giao thông.

Tuần qua, có điều lạ là anh bạn tôi thường xuyên về nhà sớm. Hỏi sao, bạn tôi nói: "Giờ bớt việc đi nhiều, không còn phải thường xuyên trực như trước. Có đêm chẳng có ca nào. Trước đây, hôm nào cũng quá tải vì các ca chấn thương do tai nạn giao thông. Dạo này đã giảm hẳn, có hôm ngồi chơi cả tối, nên anh em cũng chia nhau giảm thời gian trực".

Hiện tượng đứng mừng này cũng đã trở thành phổ biến ở nhiều bệnh viện từ Trung ương đến các bệnh viện tuyến huyện. Và trên thực tế, nó cũng đã được thống kê và công bố cụ thể cuối tuần qua:

Cụ thể, theo con số của Cục Cảnh sát giao thông công bố tại cuộc họp báo ngày 16/1, sau 2 tuần triển khai các chính sách  trên (từ ngày 1 đến 15-1), cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%).

Những số liệu trên thực sự là những con số "biết nói", bởi trước đây, cứ thời điểm gần Tết nguyên đán, tỷ lệ tai nạn giao thông gây chết người rất cao (thường 20-30 người chết/ngày) và nguyên nhân phổ biến gây ra các các tai nạn đó là do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia, rượu gây ra. Tại các bệnh viện, tỷ lệ người bị thương tật, phải vào cấp cứu do tai nạn giao thông luôn là con số cao.

Vậy thì còn có lý do gì nữa để không quyết liệt đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp người lái xe còn uống bia, rượu nhưng vẫn đi xe?.

Cũng theo con số của Cục Cảnh sát giao thông công bố hôm rồi, trong 2 tuần qua, lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng. Đây là con số ấn tượng và đó là lý do dẫn đến hàng loạt hàng quán nhậu, quán bia, quán rượu ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã vắng bóng khách và cũng là lý do khiến nhiều bệnh viện giảm bệnh nhân do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng nửa tháng qua, vẫn còn không ít ý kiến cho rằng các quy định mới về việc phạt người điều khiển phương tiện giao thông có tỷ lệ cồn/lít khí thở là quá "hà khắc". Chưa có một thống kê chính thức nào cho thấy tỷ lệ những ý kiến đó là bao nhiêu nhưng có nhiều khả năng đó là những ý kiến thiểu số. Trong các bản tin của Dân trí về tình hình thực hiện Nghị định 100 NĐ/CP, đa số ý kiến bạn đọc gửi đến đều thể hiện sự ủng hộ đối với nghị định này.

Như vậy, đến thời điểm này có thể nói, bước đầu, đây là một chính sách mới đã nhanh chóng có hiệu lực, khả thi, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Cho dù, nó cũng có những hệ quả nhất định như có thể khiến nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bia rượu phải thu hẹp qui mô hoạt động, giảm người làm, thậm chí có thể có những nhà hàng phải phá sản.

Nhưng điều đó có khi cũng lại là một điều tích cực, chứ chưa chắc đã ảnh hưởng gì lớn đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vì, về dài hạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia giảm qui mô hoạt động thì nhân sự, vốn đầu tư cho ngành này sẽ chuyến hướng sang các lĩnh vực kinh doanh khác thì đó cũng không có gì phải lo.

Nhìn lại một số chính sách lớn đã ban hành trước đây như quy định cấm đốt pháo, rồi quy định bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm... trong thời gian mới ban hành, cũng không phải không có những ý kiến phản đối, trái chiều. Nhưng chính sách đúng, qua một thời gian thực hiện, đạt sự đồng thuận lớn trong xã hội, đi vào cuộc sống thì chính sách đó sớm phát huy hiệu quả. Vấn đề chỉ là ở chỗ phải duy trì sự quyết liệt, nhất quán trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện mà thôi.

Mạnh Quân