Cấm rượu bia trên Internet, có thực cấm nổi hay không?

(Dân trí) - Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được trình để thông qua trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV diễn vào tháng 5 tới, trong đó có những quy định rất đáng chú ý và có tác động rộng rãi đến hầu hết người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này như cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên qua internet.

Cấm rượu bia trên Internet, có thực cấm nổi hay không? - 1

Cơ sở của quy định “cấm” nói trên nhằm giảm tính sẵn có và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân với các sản phẩm bia rượu. Nói gì thì nói, mục tiêu của đề xuất này của Bộ Y tế là tốt và đáng ghi nhận.

Bởi cứ nhìn vào thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, sẽ không ai không giật mình. Trong 3 - 5 năm trở lại đây, Việt Nam xếp thứ 64 thế giới về mức độ tiêu thụ rượu, bia. Tại Việt Nam, có tới 77% nam giới sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nam giới của Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh tật và là nguyên nhân gián tiếp của 200 bệnh. Nếu so với hút thuốc lá, các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn rất nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới…

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Chi phí của người dân cho tiêu thụ bia năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Nếu trong gia đình có một người tha hoá nhân cách vì nghiện bia rượu, nếu có người thân chẳng may qua đời vì tai nạn liên quan tới rượu bia, và nếu là một nạn nhân của bạo hành gia đình do hệ luỵ của rượu bia mang tới… có lẽ, chúng ta cũng muốn cấm rượu bia, muốn không hề có sự xuất hiện của rượu bia trong xã hội. Tuy nhiên, đó là điều không thể.

Trên thực tế  cũng đã có những quy định cấm được ban hành: quy định cấm bán rượu qua Internet đã có từ Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu, và tiếp đó là trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 có quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên Internet. Song phải thừa nhận một thực tế rằng, hiệu lực của quy định thì có nhưng hiệu quả hầu như chưa.

Chưa nói đến chuyện đề xuất cấm bán rượu bia qua internet là thiếu khả thi mà còn vi phạm Luật Thương mại và Luật Đầu tư. Cấm xong rồi luật lại chồng luật. Cấm xong rồi mà biết rõ không thực thi được thì cấm làm gì, chỉ để bệnh “nhờn luật” càng phát tác mà thôi.

Rượu bia là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng không phải là “hàng cấm”, nên cơ sở đâu để cấm bán trên internet mà vẫn thấy nhan nhản ở bên ngoài? Trong khi đó, rượu thủ công, rượu giả và rượu nhập lậu… chiếm gần 70% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn thì lại đang tự tung tự tác, ra ngoài ngõ vào quán cóc nào cũng có thể mua!

Nên đành rằng, lo cho sức khoẻ và an toàn của nhân dân là đáng quý, nhưng thay vì nghĩ đến “cấm” thì phải quản sao cho chặt. Loại bỏ được rượu giả, bia giả mới khó, chứ “cấm” trên văn bản rốt cuộc cũng chỉ làm khổ doanh nghiệp, khổ dân mà thôi!

Và nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “Việt Nam được đánh giá là một trong những nước uống bia nhiều nhất thế giới, ở nước ngoài muốn uống cốc thứ hai thì phải xin còn mình thì ép nhau uống hết cốc này sang cốc khác. Đó là văn hoá kỳ lạ, phải thay đổi văn hoá người tiêu dùng. Văn hoá lên, nhận thức thay đổi thì cầu sẽ giảm chứ không phải luật ra để cấm hay thu hẹp sản xuất của nhà máy sản xuất rượu bia”.

Bích Diệp