Cái “hồn nhiên” của ông Phó tổng và sự phẫn nộ của độc giả Dân trí
(Dân trí) - Nhiều bạn đọc hài hước đề xuất đưa tàu về đánh cá tại… hồ Ba Bể hay đề nghị Thiên Lôi mưa gấp để làm nhạt nước biển. Có bạn còn đặt câu hỏi mong nước biển hóa mật ong….
Trước hết, xin nói đôi nét về sự việc. Theo Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản, nhiều ngư dân của Bình Định đã vay hàng chục tỉ đồng của ngân hàng để đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, vừa là kế sinh nhai, vừa góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Tuy nhiên, ngay từ những chuyến ra biển đầu tiên, nhiều tàu cá đã bị hư hại nặng nề. Cụ thể, trong số 5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cung cấp, có 3 tàu bị hư hỏng, xuống cấp. Với sản phẩm của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, tỉ lệ này là 6/20 tàu.
Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp nhằm mục đích tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục. Song, điều “hài hước” là tại phiên đối thoại, doanh nghiệp đã đổ lỗi cho ngư dân và cho… nước biển mặn.
Về “lỗi” của ngư dân, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu bày tỏ: “Qua kiểm tra, đánh giá chuyên gia của hãng máy, cho thấy tàu bị hư hỏng một phần do bà con ngư dân sử dụng chưa thành thạo”. Về “nước biển mặn”, ông Hùng “hồn nhiên”: “Phần sơn dùng sơn rất tốt nhưng rỉ sét là vì… nước biển rất mặn”.
Hơ! Ông này chỉ được cái nói đúng vì nước biển mà… ngọt thì có mà thành nước ao, nước hồ, nước sông chắc!
Câu trả lời “hài hước” của vị Phó tổng khiến ông Phó Chủ tịch tỉnh ông Trần Châu bật dậy ngắt lời: “Có nước biển nào ngọt đâu mà chẳng không mặn. Ông nói tôi không tin, máy mới thì làm gì có chuyện vừa đi một chuyến biển đã hư hỏng, rỉ sét, ông nói không thuyết phục. Ngồi đây toàn người học đại học, kỹ sư hết… chứ không phải họ không biết”.
Về “lỗi” của ngư dân, ông Châu dẫn chứng: “Tôi hỏi ông, giả sử ngư dân không biết bảo quản thì tại sao nhiều doanh nghiệp khác đóng tàu đến nay ngư dân đi đánh bắt 4-5 chuyến rồi lại không bị rỉ sét, thì cũng là mấy ông ngư dân này thôi. Máy móc trên tàu không rỉ sét, đều hoạt động tốt mà giá thành lại rẻ hơn. Ông nói vậy là đang mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân làm những cái không đúng”.
Không dừng ở đó, ông Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định còn “kết tội”: “Các ông lấy lý do thiết kế và thẩm định khác nhau để lừa dân chăng(?). Những việc tốt cho người dân không làm, lại đi lợi dụng sơ hở để đem ra bóp chẹt người dân. Như vậy là làm ăn không có đạo đức”.
Song, càng thuyết phục hơn nữa khi ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đưa ra dẫn chứng: “Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng lại thay thế bằng thép Trung Quốc là sai, không đúng với hợp đồng, làm ăn gian dối”.
Việc “chuyển đổi” vô lý được ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc công ty Đại Nguyên Dương “lý sự” rằng không phải là thép Trung Quốc xấu, thép Trung Quốc giá trị cũng rất tốt (?)
Những thông tin trên làm bạn đọc Dân trí phẫn nộ. Xin trích đăng ý kiến của 03 trong số hàng trăm comment gửi về tòa soạn Dân trí.
Bạn Trần Hiếu viết: “Trời ơi, nhìn tàu của mình sản xuất mà thấy xót xa và căm phẫn. Trong khi đất nước cần có người dân bám biển để bảo vệ chủ quyền thì những người làm ra con tàu này cho thấy họ không để chút tâm nào vào đó”.
Bạn Nguyễn Ngọc Hứa bày tỏ: “Họ không từ một thủ đoạn gì để bớt xén tiền hỗ trợ cho nhân dân, thật vô trách nhiệm, thiếu lương tâm. Họ có nghĩ đến việc tàu rỉ sét thủng ra khi ngư dân đang ở ngoài khơi, tính mạng họ sẽ ra sao?”.
Bạn Nguyễn Văn Hướng viết: Như này người ta gọi là trên dải thảm dưới giải đinh. Thật bức xúc thay cho người dân.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc hài hước đề xuất đưa tàu về đánh cá tại… hồ Ba Bể hay đề nghị Thiên Lôi mưa gấp để làm nhạt nước biển. Có bạn còn đặt câu hỏi mong nước biển hóa mật ong….
Có thể nói, những ý kiến trên có phần hơi bức xúc, song rất đáng cảm thông bởi việc đóng những con tàu tốt để ngư dân bám biển, bảo vệ biên cương còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần xét trên lĩnh vực một hợp đồng kinh tế thì điều phải làm là hãy hành xử theo pháp lý, kiện họ ra tòa, bắt “tháo ra làm lại” như lời ông Phó Chủ tịch tỉnh Trần Châu:
“Tôi giao cho Chủ tịch UBND các huyện ven biển có trách nhiệm hướng dẫn cho ngư dân về thủ tục pháp lý nếu như chủ tàu muốn khởi kiện ra tòa đối với đơn vị cố tình không chịu sửa theo hợp đồng. Hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc, yêu cầu công ty bây giờ phải tháo ra, làm lại thép Hàn Quốc, hợp đồng với ngư dân như thế nào thì làm như thế đó”.
Bùi Hoàng Tám