Các vị cứ đúng hẹn là quý lắm rồi!
(Dân trí) - Thông tin được phóng viên thường trú của Dân trí tại Thanh Hoá phản ánh mới đây cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2019, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thanh Hoá có 9 hồ sơ quá hạn giải quyết, trong đó có 6 hồ sơ đơn vị này đã xử lý và tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết đảm bảo thời gian theo quy định.
Tuy nhiên, đến hạn, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có kết quả để trả cho nhà đầu tư theo quy định.
Trước tình trạng nêu trên, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đề nghị Sở KH&ĐT có phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả cho tổ chức, công dân; đồng thời gửi Trung tâm phục vụ hành chính công một bản trước ngày 15/2/2019 để Trung tâm cập nhật gia hạn thời gian trả kết quả trên phần mềm điện tử, đồng thời tổng hợp để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau đề nghị nói trên của Trung tâm phục vụ hành chính công, ngày 14 và 15/2/2019, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa đã ký ban hành 9 phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân.
Như vậy, ít nhiều cũng phải ghi nhận sự tiếp thu, cầu thị của lãnh đạo Sở KH&ĐT Thanh Hoá trong việc ban hành “phiếu xin lỗi” dân như đề nghị của Trung tâm phục vụ hành chính công. Trong mọi trường hợp, việc nhận lỗi, xin lỗi sau khi không hoàn thành đúng, đủ trách nhiệm để từ đó rút kinh nghiệm là một cách ứng xử văn minh và sòng phẳng.
Có câu “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Lời xin lỗi, nhận lỗi không hạ thấp ai mà còn khiến người đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi trở nên đáng tôn trọng hơn.
Có điều, buồn thay đây là việc đã được… quy định sẵn! Cụ thể, tại Điều 5, Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với hồ sơ quá hạn giải quyết, quy định: Trong thời gian chậm nhất 1 ngày làm việc trước ngày hết hạn, các sở, ban, ngành gửi thông báo và văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân cho Trung tâm hành chính công tỉnh và gửi Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chẳng những không giải quyết hồ sơ đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân mà Sở KH&ĐT Thanh Hoá còn… trễ hẹn xin lỗi. Đây là một điều khó chấp nhận, thậm chí có độc giả gửi comment về Dân trí đã phải thốt lên: “Cạn lời thực sự”!
Cũng theo phản ánh của phóng viên, trong số các hồ sơ quá hạn mà Sở KH&ĐT Thanh Hoá phải xin lỗi, có những hồ sơ bị chậm giải quyết lên tới hơn 4 tháng. Trong văn bản xin lỗi, lãnh đạo cơ quan này có viết: “Sự chậm trễ này đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức của công ty. Sở KH&ĐT rất mong nhận được sự thông cảm của công ty vì sự chậm trễ này”.
Rõ ràng không phải là cơ quan công quyền không thấy được hậu quả và những thiệt hại mà sự chậm trễ thực thi nhiệm vụ của mình gây ra. Nhưng biết rồi “để đấy”, biết rồi để “xin lỗi” một cách chiếu lệ, cho có, hình thức như thế thì biết phỏng có ích lợi gì? Không rõ doanh nghiệp tiếp nhận lời xin lỗi này như thế nào, chứ cá nhân người viết thấy khó lòng “thông cảm”.
Còn nhớ trong những năm trở lại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc nhở các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương không được phép để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, luôn phải trong tinh thần bám sát nhiệm vụ được giao, đẩy nhanh tiến độ, “lời nói phải liền với hành động”.
Song có vẻ như nhiều đơn vị, trong đó có Sở KH&ĐT Thanh Hoá chưa thực sự “thấm” chỉ đạo này. Cách đây không lâu, tại một địa phương khác là TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch UBND TP kể lại, có doanh nghiệp gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hồ sơ chạy lòng vòng giữa các sở, ngành mất một năm rưỡi. Khi trình lên người đứng đầu chính quyền thành phố không dám ký vì “xấu hổ quá”.
Nói thật, người dân trân trọng những cán bộ biết nhận lỗi, biết “xấu hổ”… thế nhưng nghe mãi lời “xin lỗi” cũng đau khổ và… mỏi mệt lắm! Dân không dám mong cán bộ làm “công bộc” mà chỉ cần làm đúng chức năng, phận sự, đúng thời hạn, là đáng quý lắm rồi!
Bích Diệp