Buổi lễ sẽ diễn ra thành kính, nghiêm trang và xúc động!
(Dân trí) - UBND TP.HCM đã quyết định lấy thời điểm 19h ngày 19.11 và Hội trường Thống Nhất để tổ chức Lễ tưởng niệm. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp, dự kiến khoảng 1.000 đại biểu tham dự…
Kết thúc buổi sáng thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn (11.11), Chủ tịch Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tổ chức lễ tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19.
Người đứng đầu Quốc hội cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trương giao MTTQ VN, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với TP.HCM cùng các địa phương liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 ở TP.HCM, các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến.
"Đây là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đề xuất trong phiên họp này. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐ-TB-XH, phối hợp với MTTQ VN, TP.HCM và các địa phương để tổ chức thật tốt lễ tưởng niệm". Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại nghị trường về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đã đề xuất ý tưởng này.
Đại biểu Trí cho rằng, việc tổ chức quốc tang phù hợp với truyền thống dân tộc đồng thời nhắc nhở chúng ta quyết tâm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Cụ thể hơn, ĐB Thông đề nghị lấy ngày 27.4 (ngày đầu tiên xuất hiện bùng phát dịch lần thứ 4) làm ngày tưởng niệm.
Đây là những ý kiến hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Cách đây hơn 10 năm, trong Thông báo số 19 ngày 22/4/2011, Bộ Chính trị đồng ý tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Vừa qua, trong buổi khai mạc của Kỳ họp lần này (20/10/2021), Quốc hội đã dành phút mặc niệm đồng bào tử vong, các cán bộ chiến sĩ hy sinh do COVID-19.Có lẽ cũng không cần nhắc lại những hậu quả khủng khiếp của đại dịch covid 19 đã gây ra cho nhân loại nói chung, cho Việt Nam ta nói riêng. Tính đến nay, nước ta đã có hơn 21.500 ca tử vong do đại dịch và con số vẫn còn chưa dừng lại.
Đây là tổn thất vô cùng nặng nề, là nỗi đau không gì bù đắp. Như các vị nói trên đã nói, việc tổ chức quốc tang vừa thể hiện nhân nghĩa, nhân ái, đúng với đạo lý truyền thống dân tộc đồng thời cũng là để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là phòng chống dịch.
Rất đau buồn, hầu hết những người tử vong vì dịch ra đi trong đau đớn, xa cách với người thân, lại vì điều kiện dịch bệnh nên việc tổ chức tang lễ không được chu toàn...
Đây cũng là dịp để tri ân các cán bộ, chiến sĩ, thầy thuốc, những người tự nguyện tham gia xông pha nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Sự hi sinh của họ thật vĩ đại bởi "Họ đã chết cho hàng triệu người được cứu sống!" như tên bài báo của tôi viết vào những ngày đầu chống dịch cách đây gần 2 năm (31.1.2020).
Rất vinh dự, ngành Lao động - Thương binh & Xã hội là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ này. Đây là trách nhiệm nặng nề, là sự tin tưởng và cũng là đúng với chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Được biết, buổi lễ sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP HCM và các tỉnh vùng trọng điểm cùng đại diện thân nhân các gia đình có người tử vong và gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.
Tuy Lễ tưởng niệm phải tiến hành trực tuyến, song chắc chắn buổi lễ sẽ diễn ra thành kính, nghiêm trang và xúc động.