BOT và quan điểm trái chiều nhau của hai vị tiến sĩ
(Dân trí) - Họ là những người rất nổi tiếng nơi nghị trường, cùng là tiến sĩ, cùng công tác với nhau nhiều năm trong cùng một cơ quan Nhà nước cao nhất và cùng có chức vụ tương đương, song cùng một thời điểm, họ lại có hai cái nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau xung quanh BOT. Đây cũng là tín hiệu dân chủ trong tranh luận.
Đó là TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội.
Tại cuộc tọa đàm "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông" do Báo Công an Nhân dân tổ chức ngày 7/9, bình luận về nhận định BOT hiện nay đang rất “tù mù” của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông, TS Kiên cho rằng:
"Nói BOT tù mù là nhận xét của cá nhân Thứ trưởng Đông, chứ không phải nhận xét chính thức của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nơi chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt, cấp phép các dự án này".
Ông Kiên đề nghị báo chí đừng dùng từ "người dân" mà nên nói chính xác là doanh nghiệp vận tải phản đối trạm BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không gom chung với người dân ở vùng đặt trạm, bởi các trạm thu phí đã miễn phí cho xe máy.
Ông Kiên còn giải thích, người lao động, những người nghèo nhất là dùng xe máy mà tại các trạm BOT đã được miễn phí. Như vậy, phí BOT không ảnh hưởng gì đến những người đó.
Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày (8/9), phát biểu tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức tại Hà Nội, TS Dũng nói thẳng thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí, không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác.
Như để chứng minh cho “tinh thần trấn lột”, TS Dũng phân tích: "Mỗi lần người ta đi qua, chỉ đi có 2 km đường, nhưng anh thu tiền của người ta cả tuyến, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân, chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó, phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó".
TS Dũng còn đòi hỏi sự minh bạch và sòng phẳng: "Đường mà tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó".
Đọc những thông tin trên báo, người viết bài này không khỏi phân vân.
Về lý trí thì đồng tình với TS Dũng và cảm thấy có gì đó hình như không ổn với TS Kiên. Ví như nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo vì không thu đối với xe máy chẳng hạn. Bởi một khi BOT tăng, mọi chi phí vận tải đều tăng và hậu quả, cả xã hội đều phải gánh chịu, bất kể giàu nghèo.
Thậm chí, có thể nói nó “không ảnh hưởng đến người giàu” còn có vẻ có lý hơn bởi với họ, vài ba chục ngàn không bằng “chân con muỗi” đang gây dịch sốt xuất huyết. Còn ngược lại, với người nghèo thì dù mươi đồng thôi cũng quý, cũng ảnh hưởng.
Song, về cảm tính thì trái lại. Nói gì thì nói, TS Kiên là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, lại đang giữ một chức vụ cao trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chắc phải thông hiểu hơn mình rất nhiều.
Ông Kiên cũng khó có thể đưa ra nhận định sai lầm, nhất là khi nhận định đó lại công khai trên báo chí, chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội nên không thể không cân nhắc. Nên hoàn toàn có thể, ông Kiên nói đúng?
Thôi thì đành gửi câu hỏi này nhờ bạn đọc Blog Dân trí.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất đã được người viết bài này đăng trên Dân trí tháng 7/2016. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng trong một bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí đã nói: “Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.
Sau đó, tôi đã viết trên BLOG Dân trì, bài"Mảnh đất màu mỡ cho một nhóm người sống trên mồ hôi, nước mắt của dân", có đoạn: “Người dân không bao giờ muốn điều đó và cũng hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.
Người dân chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị tham ô, tham nhũng, khai vống…”.
Tóm lại, theo người viết bài này, người dân không ai phản đối BOT, một chủ trương đúng đắn và càng không phản đối các doanh nghiệp làm BOT minh bạch mà chỉ phản đối sự “tù mù”, “cân điêu” của BOT. Còn ai là người phải chịu trách nhiệm để xảy ra sự “tù mù”, “cân điêu” thì chắc ai cũng biết…
Bùi Hoàng Tám