“Bóng dáng” của một cuộc “cách mạng” trong công tác tổ chức?
(Dân trí) - Bộ máy cồng kềnh, công việc nhiều khi lấn sân, chồng chéo, ôm đồm nhưng khi có sự việc xảy ra thì “Cha chung không ai khóc”. Công cuộc tinh giản biên chế đề ra đã nhiều năm nhưng dường như dẫm chân tại chỗ. Đó là chưa kể đã xuất hiện hiện tượng càng giản, càng phình.
Tất cả những điều này đã dẫn đến việc cần phải có một cuộc đổi mới mạnh mẽ về công tác tổ chức nhằm xây dựng không chỉ một Chính phủ liêm chính, kiến tạo mà là một Thể chế liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Phải chăng cuộc Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội ngày 6-4 diễn ra tại Hà Nội do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Tổ chức TW chính là bước khởi đầu cho công cuộc đổi mới mạnh mẽ này?
Tại cuộc hội thảo, Ông Mai Văn Chính, Phó Ban Tổ chức TW, Chủ nhiệm đề tài cho rằng trong 30 năm Đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ, bên cạnh những thành tích, ưu điểm đã bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém, bất cập. Đó là cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh bất hợp lý, kém hiệu quả trên một số chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch, rõ ràng.
Những điều đó đòi hỏi MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới.
Ông Chính nói: “Do đó, cả về lý luận và thực tiễn cho thấy rất cần có những nghiên cứu, lý luận và đánh giá thực tiễn, từ đó đề xuất nhằm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, hoạt động thiết thực và hiệu quả, đề cao tính tự chủ, chủ động thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”.
Với tinh thần trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra xin ý kiến về 4 phương án đổi mới mô hình tổng thể của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Cụ thể:
Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ.
Phương án 4, hợp nhất ban dân vận và MTTQ.
Đây là những đề xuất hợp lý cả thực tiễn lẫn lý luận và hoàn toàn có thể là bước khởi đầu cho các cuộc tinh giản, sáp nhập đối với các bộ ngành và các địa phương.
Đã có ý kiến cho rằng cần sáp nhập các bộ có tính tương đồng để tạo sự nhất quán trong công tác điều hành, ví như Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính…
Trở lại với cuộc Hội thảo nói trên, cho đến nay, chưa có quyết định chính thức phương án được chọn. Song, dù với phương án nào thì cũng cho thấy “bóng dáng” của một cuộc “cách mạng” về công tác tổ chức nhằm tiến tới xây dựng một Thể chế liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Về cá nhân, người viết bài này ủng hộ phương án 3 “hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ”. Còn theo các bạn, phương án nào là hợp lý?
Bùi Hoàng Tám